Người trẻ Trung Quốc tận dụng tối đa dịp nghỉ Tết để kiếm tiền

Các quầy hàng vỉa hè tại Trung Quốc vẫn không ngừng hồi sinh trong dịp Tết, khi những người bán hàng trẻ tận dụng tối đa thời gian nghỉ lễ dài để tăng thu nhập.

Chú thích ảnh
Một sinh viên đại học bán câu đối Tết do chính tay cô viết. Ảnh: Xiaohongshu

Kỳ nghỉ Tết năm nay là một dịp mang lại nhiều lợi nhuận cho Sheng Fangyu (25 tuổi). Trước Tết Nguyên đán, cô và bạn trai mở một gian hàng ở quê nhà là tỉnh Sơn Đông, bán các mặt hàng lễ hội như câu đối Tết Nguyên đán, nhãn dán xe hơi và những lời chúc phúc tại các khu chợ.

Khi giới trẻ Trung Quốc hiện nay thích ăn Tết Nguyên đán theo những cách riêng, cũng có nhiều người đã chuyển sang hình thức kinh doanh gian hàng trên đường phố linh hoạt và chi phí thấp để kiếm thêm tiền trong thời điểm này.

Trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu, nhiều người dùng đã chia sẻ kinh nghiệm mở gian hàng ở quê nhà trong dịp Tết. Những từ khóa như "kiếm hơn 1.000 nhân dân tệ (gần 3, 5 triệu đồng) một ngày" và "mở gian hàng để làm giàu" đã trở nên phổ biến, thu hút sự quan tâm của nhiều người khác.

"Tôi thích tự kinh doanh và kiếm tiền hơn là làm thuê cho người khác", Sheng Fangyu nói. Cô và bạn trai đã kiếm được 2.600 nhân dân tệ (gần 9 triệu đồng) sau 11 ngày bán hàng.

Sau nhiều năm bị hạn chế do đại dịch, các hàng quán vỉa hè của Trung Quốc đã được trở lại khi quan chức địa phương cố gắng khởi động lại nền kinh tế. Tại các thành phố trên khắp Trung Quốc, khu vực được phép kinh doanh quầy hàng trên đường phố đã mở rộng hơn và dỡ bỏ các hạn chế đối với những cửa hàng truyền thống muốn bán trên vỉa hè.

Chú thích ảnh
Những mặt hàng được bày bán trên vỉa hè các con phố ở Trung Quốc. Ảnh: Xiaohongshu

Tỉnh Tứ Xuyên là một trong những địa phương thúc đẩy các hàng quán vỉa hè sớm nhất, như một cách để phục hồi kinh tế. Tại thành phố Nội Giang, Tứ Xuyên, nữ sinh viên đại học Deng Yuman (18 tuổi) đã dựng một gian hàng vỉa hè để bán đèn lồng và bán hết ngay từ đêm giao thừa.

Deng nói: "Dòng người mua sắm trước năm mới rất lớn và mọi người đều sẵn sàng tiêu tiền hơn trong mùa lễ tết".

Cô gái trẻ giải thích việc mình chọn bán đèn lồng vì chúng được cả trẻ em lẫn người lớn ưa chuộng. Deng Yuman bỏ 100 tệ (khoảng 350.000 đồng) để nhập 50 chiếc đèn lồng và thu về tổng cộng 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu đồng).

Sheng Fangyu và Deng Yuman đều cho biết, trong tương lai họ có kế hoạch mở lại các sạp hàng vỉa hè vào các dịp Tết, đồng thời sẽ mở rộng cả sản phẩm và quy mô kinh doanh.

Sheng Fangyu nói: "Mặc dù việc điều hành một gian hàng là một thử thách nhưng nó vẫn thoải mái hơn so với làm một công việc bình thường. Hơn nữa, tôi cũng đang làm việc cho bản thân, là chủ và cũng là nhân viên của chính mình". 

Trần Trang/Báo Tin tức (Theo Sixthtone)
Xu hướng 'bạn đồng hành' cùng nghỉ hưu, cùng ly hôn bùng nổ ở Trung Quốc
Xu hướng 'bạn đồng hành' cùng nghỉ hưu, cùng ly hôn bùng nổ ở Trung Quốc

Văn hóa Dazi (bạn đồng hành) bắt đầu trở nên phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc từ năm ngoái, khi thế hệ trẻ tìm kiếm dazi cho bất cứ hoạt động gì từ chơi game, ăn uống, tập thể dục hay cả nghỉ hưu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN