Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ngày 12/1, lãnh đạo thành phố Bắc Kinh cho biết để kiểm soát tốt dịch bệnh cần áp dụng biện pháp giảm lưu lượng người đi lại, tránh tụ tập đông người và tăng cường bảo vệ cá nhân. Mọi người dân phải thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống dịch. Khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng cần tuân thủ các quy định về phòng chống dịch như đeo khẩu trang đúng cách, thường xuyên rửa tay.
Đối với khu vực nông thôn cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng là người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em; tăng cường vệ sinh môi trường; các cửa hàng tiện lợi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như theo dõi sức khỏe nhân viên, vệ sinh môi trường, khử trùng thường xuyên. Người dân được yêu cầu dừng tổ chức đám cưới, đám tang, tiệc liên hoan, không tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang và mở cửa thông gió. Ngoài ra, các tổ phòng chống dịch nông thôn cũng được thành lập để tăng cường công tác chỉ đạo; xử lý theo quy định đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm trách nhiệm phòng chống dịch bệnh, cá nhân che giấu lịch sử đi lại, cư trú tại khu vực rủi ro trung bình và cao.
Lãnh đạo quận Thông Châu, thành phố Bắc Kinh, cho biết quận này là trung tâm phụ của Bắc Kinh, nằm ở một nút giao thông quan trọng giữa Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc, sát với Hà Bắc. Có 11 thị trấn và 470 làng, trong đó có 37 làng giáp ranh với tỉnh Hà Bắc và có 27 cửa ngõ, dân cư ra vào thường xuyên, đông người đi lại. Chính quyền quận Thông Châu đã triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát khu vực giáp ranh với tỉnh khác, tăng cường phối hợp phòng, chống dịch bệnh giữa Bắc Kinh-Thiên Tân-Hà Bắc và bảo vệ hiệu quả cửa ngõ phía Đông của thành phố. Hiện Bắc Kinh có 8 khu vực có nguy cơ trung bình, trong đó 1 ở quận Triều Dương và 7 ở quận Thuận Nghĩa. Các khu vực còn lại là khu vực có nguy cơ thấp.
Đối với tỉnh Hà Bắc, lãnh đạo tỉnh thông báo thực hiện quản lý khép kín đối với toàn bộ các thành phố Thạch Gia Trang, Hình Đài, Lang Phương, người và phương tiện không rời thành phố. Thực hiện các biện pháp quản lý khép kín nghiêm ngặt nhất đối với các thôn làng, khu dân cư tại khu vực nguy cơ trung bình, nguy cơ cao của 3 thành phố này; kiểm soát nghiêm ngặt đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Các tuyến giao thông lớn tạm đóng cửa và kiểm soát các tuyến giao thông nhỏ, kiểm soát đi lại của người dân tại các khu vực trọng điểm, tránh để dịch bệnh lây lan; người và phương tiện tại các khu vực khác được yêu cầu không rời khỏi tỉnh, không đến Bắc Kinh trừ trường hợp cấp thiết.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Chính phủ Thái Lan cho biết nước này có thể ngăn chặn sự lây lan hiện nay của COVID-19 để kịp tổ chức tết cổ truyền Songkran hay còn gọi là Lễ hội té nước vào tháng 4 tới nếu tất cả các bên hợp tác tốt trong các nỗ lực giảm thiểu lây nhiễm.
Lễ hội Songkran năm ngoái đã bị hoãn do đợt bùng phát đầu tiên của COVID-19. Theo Thứ trưởng Y tế Sathit Pitutecha, với sự bùng phát trở lại của COVID-19 kể từ cuối năm 2020, số ca mắc COVID-19 hằng ngày được dự báo sẽ vượt quá 100 ca trong 2 tháng tới, nếu không thực hiện biện pháp gì để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu các quan chức nhà nước cùng người dân chung tay ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, lễ hội té nước Songkran vẫn có thể diễn ra trong tháng 4.
Thứ trưởng Sathit nhận định số các ca bệnh mới có thể còn cao trong một thời gian nữa vì những biện pháp kiểm soát hiện tại không nghiêm ngặt như trong đợt bùng phát đầu tiên. Nguyên nhân là chính phủ phải thận trọng với những tác động kinh tế của các biện pháp hạn chế. Ông khẳng định nhiều biện pháp đang được thực hiện nhằm giảm thiểu các tác động kinh tế do những biện pháp phòng, chống dịch đối với các nhóm người dễ bị tổn thương.
Cũng trong ngày 12/1, Nội các Thái Lan đã thông qua các biện pháp nhằm giúp giảm chi phí sinh hoạt và tăng tính thanh khoản, đồng thời giảm tác động của làn sóng COVID-19 thứ hai tại quốc gia Đông Nam Á này. Các biện pháp được nội các nhất trí bao gồm giảm phí điện và nước, hỗ trợ 7.000 baht (khoảng 230 USD) tiền mặt trong 2 tháng cho những người khó khăn và cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các doanh nghiệp đủ điều kiện.
Đến nay, làn sóng COVID-19 thứ hai đã lây lan ra 59/77 tỉnh, thành trên toàn quốc và chỉ còn 18 tỉnh vẫn chưa ghi nhận ca COVID-19 mới nào trong đợt này. Ngày 12/1, Thái Lan ghi nhận thêm 287 ca mắc COVID-19, bao gồm 278 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 9 ca ngoại nhập, nâng tổng số các ca bệnh tại nước này lên 10.834 ca, trong đó có 67 người tử vong.
Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cho biết chính quyền địa phương có thể mua vaccine ngừa COVID-19 và tiến hành các chiến dịch tiêm chủng riêng với điều kiện được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan (FDA) phê duyệt. Thông báo của Bộ trưởng Anutin được đưa ra sau khi Thị trưởng thành phố Nakhon Nonthaburi, ông Somnuek Thanadechakul, đề nghị được mua trực tiếp vaccine từ Bộ Y tế để tiêm chủng cho người dân địa phương. Có tin nói rằng Thị trưởng Somnuek cho biết thành phố Nakhon Nonthaburi sẽ chi 260 triệu baht (hơn 8,6 triệu USD) để mua vaccine trực tiếp từ Bộ Y tế, đồng thời nói thêm rằng có rất nhiều chính quyền địa phương sẵn sàng làm theo.
Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ cung cấp 2 triệu liều vaccine miễn phí để tiêm chủng cho các quan chức y tế tuyến đầu, những tình nguyện viên và các nhóm nguy cơ cao. Nước này sẽ triển khai một đợt tiêm chủng miễn phí hàng loạt vào tháng 5 tới, sử dụng 60 triệu liều vaccine của Đại học Oxford/AstraZenaca (Anh) với mục tiêu tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng trong ít nhất 50% dân số. Cho đến nay, chỉ có 2 loại vaccine ngừa COVID-19 được đăng ký tại Thái Lan, một của Đại học Oxford/AstraZeneca và loại còn lại do Sinovac ( Trung Quốc) sản xuất. Bộ trưởng Y tế Auntin cho biết ông đã mời các công ty dược phẩm và nhà nhập khẩu khác đăng ký vaccine với FDA Thái Lan để lĩnh vực tư nhân có thể mua.