Trung Quốc tạo ‘cú hích’ pháp lý cho kinh tế tư nhân giữa cuộc chiến thương mại với Mỹ

Ngày 30/4, Trung Quốc đã thông qua một đạo luật nhằm củng cố khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh Bắc Kinh thực hiện cam kết bảo vệ và thúc đẩy khu vực phi quốc doanh, vào thời điểm nền kinh tế nước này đang trông đợi nhiều hơn vào năng lực nội sinh để đảm bảo tăng trưởng trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ.

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ SCMP, Luật Thúc đẩy Kinh tế Tư nhân gồm 78 điều đã được thông qua sau lần xem xét thứ ba của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5.

Luật quy định các biện pháp nhằm thúc đẩy cạnh tranh thị trường lành mạnh; cải thiện môi trường đầu tư và tài chính; khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án khoa học và đổi mới công nghệ; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích kinh tế của họ.

Lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng đạo luật mới sẽ là cú hích về tinh thần. Trước đó, từng có dự báo rằng đạo luật sẽ được thảo luận và có thể thông qua trong kỳ họp lập pháp thường niên vào tháng trước.

Quá trình soạn thảo đạo luật dành riêng cho khu vực tư nhân được khởi động từ năm 2024, do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia chủ trì. Một bản dự thảo đã được công bố để lấy ý kiến công chúng vào tháng 10.

Sau đó, luật được bổ sung thêm các điều khoản nhằm xử lý tình trạng thực thi pháp luật và phạt tiền tùy tiện vì “mục đích lợi nhuận” – một phàn nàn phổ biến trong giới doanh nghiệp tư nhân nhỏ.

Lần xem xét thứ hai của luật vào tháng 2 đã làm dấy lên các cuộc thảo luận rộng rãi hơn về vấn đề tiếp cận thị trường và thực thi pháp luật. Trong cùng tháng đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nâng cao kỳ vọng khi triệu tập cuộc gặp với các doanh nhân tư nhân hàng đầu cả nước để kêu gọi khu vực này đồng hành trong ổn định kinh tế. Đây là cuộc họp đầu tiên như vậy kể từ năm 2018.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, khu vực tư nhân đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, 70% đổi mới công nghệ và 80% việc làm ở đô thị.

Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế mất cân đối, tiêu dùng trì trệ và những bất định về quy định đã làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư suốt nhiều năm. Những phàn nàn lâu nay của khu vực tư nhân, bao gồm việc bị hạn chế tiếp cận thị trường và cảm nhận về sự thiên vị đối với khu vực quốc doanh, vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Đầu tư tư nhân đã sụt giảm trong nhiều năm. Tuy nhiên, theo tín hiệu tích cực, đầu tư mới của khu vực này trong quý đầu năm nay đã tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm 2024.

Luật trên được thông qua trong bối cảnh Mỹ đang áp tổng thuế suất lên hàng hóa Trung Quốc là 145%, bao gồm thuế đối ứng 125% và mức thuế 20% áp từ trước đó. Thậm chí, Mỹ còn đề cập mức thuế lên đến 245% đối với một số mặt hàng của Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh áp thuế 125% đối với hàng hóa Mỹ, ngừng các đơn hàng mua máy bay Boeing và cấm xuất khẩu một số mặt hàng quan trọng sang nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Gần đây, hai bên đã có động thái làm xuống thang cuộc chiến thuế quan. Cụ thể, Trung Quốc đang cân nhắc tạm dừng áp mức thuế 125% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, như thiết bị y tế và một số hóa chất công nghiệp như ethane. Các quan chức nước này cũng đang thảo luận về miễn thuế đối với hoạt động thuê máy bay.

Trung Quốc cân nhắc miễn trừ sau động thái tương tự từ phía Mỹ, khi Washington đã loại trừ mặt hàng điện tử khỏi mức thuế 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng này.

Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc
Tổng thống Mỹ giảm thuế nhập khẩu ô tô và phụ tùng
Tổng thống Mỹ giảm thuế nhập khẩu ô tô và phụ tùng

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh điều chỉnh chính sách thuế quan đối với ngành công nghiệp ô tô, một quyết định được đưa ra chỉ vài ngày trước khi ông tới thăm bang Michigan - trung tâm sản xuất ô tô của nước Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN