Trung Quốc nỗ lực đảm bảo kỳ xuân vận suôn sẻ khi COVID-19 bùng phát

Khi nhu cầu đi lại vào dịp Tết Nguyên đán tăng cao chưa từng thấy trong ba năm qua, ngành giao thông vận tải Trung Quốc đang nỗ lực hết mình để đảm bảo kỳ xuân vận suôn sẻ và an toàn trong bối cảnh ứng phó với COVID-19.

Chú thích ảnh
Hành khách xếp hàng để vào ga tàu Tô Châu ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô ngày 7/1. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo Xinhua, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết tổng số chuyến đi của hành khách trong đợt cao điểm du lịch năm nay (hay còn gọi là xuân vận) dự kiến đạt 2,1 tỷ, gần gấp đôi so với năm ngoái.

Dữ liệu mới nhất cho thấy từ ngày 7 đến ngày 12/1, tức tuần đầu tiên của đợt cao điểm đi lại, có khoảng 221 triệu lượt chuyến đi trên toàn quốc.

Nhu cầu đi lại ngày càng tăng sau khi Trung Quốc gần đây đã hạ cấp quản lý COVID-19 từ Loại A xuống Loại B.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Xu Chengguang cho biết: “Đợt cao điểm đi lại dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ là thách thức lớn nhất trong những năm gần đây khi cả lượng hành khách và ca nhiễm COVID-19 đều tăng”.

Hành trình về nhà giờ đây cũng đơn giản hơn đối với những người trở về từ nước ngoài. Trung Quốc đã bỏ các hạn chế đối với các chuyến bay chở khách quốc tế, tăng số lượng chuyến bay theo từng giai đoạn và tối ưu hóa phân bổ các tuyến bay kể từ ngày 8/1.

Khi lưu lượng hành khách ngày càng tăng, các nhà khai thác đường sắt và hàng không của Trung Quốc đã lên kế hoạch trước để tăng hiệu quả vận chuyển.

Công ty Đường sắt Nhà nước Trung Quốc cho biết ngày cao điểm trước kỳ nghỉ năm nay sẽ có tới 6.077 tuyến tàu hoạt động và sức chứa tối đa cho đợt cao điểm đi lại năm nay sẽ tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019.

Trung Quốc đã có khoảng 4.100 km đường ray mới được xây dựng vào năm 2022, hơn một nửa trong số đó dành cho đường cao tốc.

Ông Huang Xin, Giám đốc bộ phận vận tải hành khách của Công ty Đường sắt Nhà nước Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi sẽ phát huy hết khả năng của mạng lưới đường sắt cao tốc trong bối cảnh nhu cầu đi lại đạt đỉnh điểm và tăng cường năng lực vận chuyển ở các khu vực trọng điểm, vào giờ cao điểm”.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng, Trung Quốc sẽ tăng số chuyến bay trung bình hàng ngày lên 11.000 trong thời gian cao điểm đi lại, tương đương 73% so với cùng kỳ năm 2019.

Các hãng hàng không nội địa cũng được khuyến khích bổ sung thêm nhiều chuyến bay trên các tuyến phổ biến.

Hiện tại, tất cả diễn ra tốt đẹp, các trục giao thông huyết mạch và trung tâm chính đang hoạt động trơn tru.

Trung Quốc triển khai các biện pháp nhiều hướng để đối phó với nguy cơ lây nhiễm COVID-19, thời tiết bất lợi, sự cố giao thông để đảm bảo đón Tết an toàn, lành mạnh.

Chú thích ảnh
Một công nhân bảo trì tại ga tàu cao tốc Hồng Kiều ở phía Đông Thượng Hải, Trung Quốc ngày 3/1. Ảnh: Tân Hoa Xã

Trong khi thúc đẩy các dịch vụ không cần giấy tờ, không tiếp xúc như bán vé trực tuyến, các nhà khai thác vận tải trên toàn quốc đang tăng cường thông gió và khử trùng tại các nhà ga, trạm thu phí đường cao tốc và các địa điểm giao thông công cộng khác để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm bệnh.

Tỉnh Chiết Giang đã mời một chuyên gia chăm sóc sức khỏe nổi tiếng để đưa ra các hướng dẫn về phòng ngừa và tự chăm sóc COVID-19 trên một chuyến tàu xuất cảnh, để hành khách kiểm soát sức khỏe tốt hơn trong lễ hội sắp tới.

Việc đảm bảo an toàn giao thông cũng trở thành một vấn đề đáng quan tâm, vì một số dịch vụ vận tải đã bị đình chỉ hoặc hoạt động với công suất thấp do liên tục bị gián đoạn do COVID-19 kể từ năm 2020.

Để đối phó với tình hình, các nhà khai thác trên toàn quốc đã nỗ lực gấp đôi trong bảo trì cơ sở, đại tu thiết bị và đào tạo nhân viên.

Các công nhân đường sắt đã làm việc cật lực tại ga xe lửa Hồng Kiều Thượng Hải, một trong những trung tâm giao thông ở đông dân cư phía Đông Trung Quốc, để đảm bảo tất cả các đường ray hoạt động trong điều kiện tốt.

Theo sở đường sắt thành phố, công việc bảo trì đang được đẩy mạnh nhờ một mẫu robot dò tìm mới, có thể tiếp cận mọi ngóc ngách của đường ray, nhờ đó tăng hiệu quả và tiết kiệm nhân lực.

Công nghệ thông minh cũng đã được áp dụng ở Nam Xương, thủ phủ của Giang Tây, nơi tất cả các bộ phận của tàu được theo dõi và hiển thị trên màn hình tại một ga ra bảo dưỡng.

Các nỗ lực trên diễn ra trong bối cảnh COVID-19 đang bùng phát ở Trung Quốc. Theo bà Jiao Yahui, Cục trưởng Cục quản lý Y tế thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 59.938 ca tử vong liên quan COVID-19 trong giai đoạn 8/12/2022 - 12/1/2023. Trong đó, tổng cộng 5.503 người tử vong vì suy hô hấp do mắc COVID-19, 54.435 người tử vong vì các bệnh lý nền diễn biến nặng do mắc COVID-19.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Trung Quốc có gần 60.000 ca tử vong liên quan COVID-19 trong hơn 1 tháng
Trung Quốc có gần 60.000 ca tử vong liên quan COVID-19 trong hơn 1 tháng

Ngày 14/1, Tân Hoa xã đưa tin số người đến điều trị tại các phòng khám sốt ở Trung Quốc đã lên đỉnh điểm vào ngày 23/12/2022, với khoảng 2,87 triệu người, và liên tục giảm cho đến nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN