Trung Quốc tái mở cửa - Bài 1: Bước đi mạnh bạo

Những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị để người dân sống chung với virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện. Nhiều dự đoán cho rằng Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại trước giữa năm 2023. Nhưng khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tái mở cửa, cơ hội và rủi ro chắc chắn sẽ đan xen, tác động như thế nào cũng là vấn đề phải quan tâm.

Chú thích ảnh
Một khu phố ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 10/11. Ảnh: Reuters

Ngày 14/12/2022, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo sẽ ngừng công bố dữ liệu tổng hợp về các ca mắc COVID-19 mới, do việc bỏ xét nghiệm bắt buộc diện rộng sẽ khiến các con số không còn phản ánh đúng thực tế. Cụ thể, từ nay trở đi, Trung Quốc sẽ chỉ báo cáo các trường hợp có triệu chứng vì khó có thể đánh giá số lượng người mắc không triệu chứng nếu không xét nghiệm. Trước đó một hôm, Trung Quốc đã gỡ bỏ “thẻ hành trình di động” - ứng dụng theo dõi trên điện thoại thông minh được đưa ra từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát vào năm 2020 và trở thành một biểu tượng của chính sách Zero-COVID. Đây là những động thái nới lỏng hạn chế phòng chống dịch mới nhất tại quốc gia đông dân nhất thế giới được đưa ra tiếp theo Kế hoạch 10 điểm của NHC ngày 7/12/2022 nhằm tối ưu hóa hơn nữa phản ứng chống dịch COVID-19.

Kế hoạch 10 điểm của NHC thực chất là 10 điểm nới lỏng một loạt hạn chế phòng dịch theo chính sách Zero-COVID nghiêm ngặt mà Trung Quốc đã áp dụng suốt 3 năm qua. Theo đó, Trung Quốc sẽ giảm tần suất xét nghiệm axit nucleic, loại bỏ việc kiểm tra kết quả axit nucleic âm tính và các yêu cầu về mã sức khỏe khi đến những nơi công cộng, ngoại trừ những địa điểm được chỉ định, đồng thời bãi bỏ các yêu cầu về kiểm tra COVID-19 và mã sức khỏe đối với việc đi lại giữa các khu vực trong nước. Biện pháp phong tỏa các khu dân cư và các ly cũng được giảm thiểu. Người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được phép cách ly tại nhà…

Cùng với việc giới chức Trung Quốc gần đây giảm nhẹ khi nói về rủi ro của COVID-19, những nới lỏng nêu trên được nhìn nhận là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị để người dân sống chung với virus SARS-CoV-2. Chúng nhanh chóng trở thành chủ đề được đọc nhiều nhất trên nền tảng mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc. Nhiều người dùng Weibo bày tỏ hy vọng sớm được trở lại với cuộc sống bình thường và Trung Quốc trở lại với thế giới. Một số nhà đầu tư cũng hoan nghênh những thay đổi này, xem đây là một bước chuyển có thể thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh của Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Một người phụ nữ lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại một điểm xét nghiệm ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Niềm phấn khởi lan đi khắp Trung Quốc và điều này có thể hiểu được bởi Trung Quốc đã đối phó với COVID-19 như một căn bệnh nguy hiểm tương tự dịch hạch và dịch tả trước đây. Từ quyết định đóng cửa chợ hải sản Vũ Hán vào ngày 1/1/2020 đến phong toả thành phố Vũ Hán ngày 23/1/2020, tới việc xét nghiệm đại trà, triển khai truy vế, cách ly và đóng cửa biên giới, tất cả đã khiến cuộc sống của người dân và các hoạt động kinh tế, xã hội… bị ảnh hưởng nặng nề. Chính sách Zero-COVID cùng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt kèm theo đã giúp Trung Quốc thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan và duy trì số ca tử vong ở mức thấp.

Theo ông J. Stephen Morrison, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Trung tâm Chính sách Y tế Toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ), đây là thành tựu đáng khích lệ, cho thấy sức mạnh và sự quyết tâm của Trung Quốc trong nỗ lực kiểm soát đại dịch. Kết quả là tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc hoàn toàn trái ngược những gì diễn ra ở Mỹ và các quốc gia phương Tây khác lúc bấy giờ. Cụ thể: Theo trang thống kê worldometers.info, đến ngày 17/12/2022, Mỹ có 101.743.845 ca nhiễm COVID-19 và còn con số này của Trung Quốc là 376.361 ca, thấp hơn 270 lần so với Mỹ.

Vì thế, chính sách Zero-COVID sớm được ca ngợi là niềm tự hào của Trung Quốc. Ngay cả khi biến thể Delta và biến thể Omicron lây lan, mức độ bao phủ vaccine ngày càng rộng rãi, Trung Quốc vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới kiên trì theo đuổi mục tiêu “nhổ tận gốc” COVID-19. Giờ đây, khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng dịch, được dự báo là sẽ tiến tới từ bỏ chính sách Zero-COVID, điều đó không có nghĩa chiến lược này sai lầm ngay từ đầu. Chính sách Zero-COVID đã giúp Trung Quốc ngăn chặn tỷ lệ tử vong xuống mức rất thấp, đặc biệt là trong thời kỳ chưa có vaccine và tỷ lệ bao phủ vacccine thấp. Theo worldometers.info, đến ngày 17/12/2022, Mỹ có 1.112.944 ca tử vong vì COVID-19, nhưng con số này của Trung Quốc chỉ là 5.235 ca.

Bên cạnh đó, theo một số nhà phân tích, không chỉ là “tấm khiên” phòng dịch vững chắc của Trung Quốc trong suốt ba năm, chính sách Zero-COVID thực chất còn cách tiếp cận phòng thủ của Bắc Kinh nhằm chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, khi thế giới trải qua những thay đổi địa chính trị và kinh tế đáng kể. Trong tương lai, tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu, hay lưu thông bên ngoài. Chính sách Zero-COVID còn thúc đẩy Trung Quốc độc lập về công nghệ, đồng thời đưa ra các biện pháp khuyến khích cải thiện sản xuất chất bán dẫn và các công nghệ tiên tiến khác, đặc biệt trong các lĩnh vực có thể bị Mỹ hạn chế.

Hải Vân/Báo Tin tức
Trung Quốc tái mở cửa - Bài cuối: Câu chuyện của thế giới
Trung Quốc tái mở cửa - Bài cuối: Câu chuyện của thế giới

Những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị để người dân sống chung với virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện. Nhiều dự đoán cho rằng Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại trước giữa năm 2023. Nhưng khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tái mở cửa, cơ hội và rủi ro chắc chắn sẽ đan xen, tác động như thế nào cũng là vấn đề phải quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN