Trung Quốc nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

Trung Quốc sẽ cắt giảm chi phí xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang tìm cách cải thiện hình ảnh về một đất nước mở cửa cho kinh doanh.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một phát biểu ngày 23/9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định trong năm nay, nước này sẽ xem xét cắt giảm 1/3 số giấy tờ cần thiết cho hoạt động xuất nhập khẩu, cắt giảm phí hải quan cũng như giảm thời gian cần thiết cho việc thông quan hàng hóa.

Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh: "Chúng ta cần nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và giảm chi phí cho các doanh nghiệp nước ngoài, từ đó giúp thông thoáng thủ tục và duy trì tăng trưởng ổn định xuất nhập khẩu".

Động thái trên được đưa ra giữa lúc Trung Quốc đang vướng vào bất đồng thương mại với Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của  họ. Bắc Kinh đã đưa ra nhiều cam kết để mở cửa các lĩnh vực, từ ôtô cho tới tài chính, để thu hút thêm đầu tư từ nước ngoài. 

Hồi đầu tuần này, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức ở thành phố cảng Thiên Tân, Thủ tướng Lý Khắc Cường thông báo Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng, và cương quyết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, động thái nhằm xoa dịu mối quan ngại của các đối tác thương mại nước ngoài.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đang tiếp tục leo thang. Trong một động thái mới nhất ngày 17/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo từ ngày 24/9 tới sẽ áp mức thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD và sau đó là mức thuế lên tới 25% vào đầu năm 2019. Ngay sau đó, Trung Quốc đã tuyên bố áp thuế đáp trả đối với hàng hóa Mỹ trị giá 60 tỷ USD. Quyết định này cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 24/9.

Tổ chức nghiên cứu kinh tế Oxford Economics dự đoán tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2019 có thể ở dưới 6%, và nhận định triển vọng giảm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong tương lai gần là thấp.

Tuy vậy, Oxford Economics cũng đánh giá lạc quan về khả năng giảm leo thang bởi những tác động kinh tế gia tăng tại Mỹ sẽ là nhân tố kiềm chế chính quyền Tổng thống Trump, trong khi Trung Quốc cũng nhận ra rằng nước này sẽ khó hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu mà không có một vài nhượng bộ liên quan đến mô hình kinh tế của mình.

Phương Hồ (TTXVN)
Trung Quốc dự thảo luật năng lượng hạt nhân mới
Trung Quốc dự thảo luật năng lượng hạt nhân mới

Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ các công ty hạt nhân trong nước trong việc mở rộng ra thị trường nước ngoài và củng cố vị trí của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, theo dự thảo Luật năng lượng nguyên tử mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN