Nhật báo Nhân dân của Trung Quốc đưa tin Thứ trưởng Ngoại giao Trịnh Trạch Quang đã triệu Đại sứ Mỹ tại nước này Terry Branstad để bày tỏ sự phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với quân đội Trung Quốc.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm tuyên bố quyết định của Trung Quốc mua các máy bay chiến đấu và các hệ thống tên lửa của Nga là điều bình thường trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia có chủ quyền và Mỹ không có quyền can thiệp.
Quan chức trên nhấn mạnh hành động của Mỹ là sự vi phạm rõ ràng các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế, thể hiện rõ chủ nghĩa bá quyền và can thiệp nghiêm trọng vào mối quan hệ của hai quốc gia và hai quân đội. Ông cảnh báo Mỹ sẽ "phải gánh chịu hậu quả" nếu không ngay lập tức rút lại các lệnh trừng phạt.
Trung Quốc gần đây mua 10 máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 và các tên lửa S-400 của Nga. Chính quyền Mỹ cho rằng những vụ mua bán như vậy làm cản trở các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Moskva, vốn được đưa ra liên quan đến cáo buộc can thiệp vào chính trị Mỹ, điều mà Nga luôn bác bỏ.
Cục Phát triển Thiết bị Trung Quốc (EDD) và người đứng đầu là ông Lý Tôn Phúc, đã bị Mỹ trừng phạt vì thực hiện "các giao dịch quan trọng" với công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga.
Ông Lý Tôn Phúc đã được thêm vào Danh sách Người bị Chặn, có nghĩa là bất kỳ tài sản nào của họ tại Mỹ đều bị đóng băng. Ngoài ra, EDD cũng bị từ chối giấy phép xuất khẩu và bị loại khỏi hệ thống tài chính của Mỹ.
Trong vài tháng qua, Mỹ cảnh báo sẽ hành động chống lại những nước nào mua thiết bị quân sự Nga. Hồi đầu năm nay, Washington cho biết chính phủ một số nước đã hủy bỏ các thương vụ mua vũ khí Nga trị giá vài tỉ USD kể từ khi Đạo luật Chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt (CAATSA) có hiệu lực năm 2017. Nga và Trung Quốc đã lên án hành động của Mỹ.