Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết nước này chưa nhận được thông báo có công dân Trung Quốc nào bị thương trong các vụ đánh bom này.
Cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết nước này cực lực lên án tấn công khủng bố dưới bất kỳ hình thức hay vì mục đích nào.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Kato cũng cho biết hiện Nhật Bản chưa nhận được báo cáo có công dân Nhật Bản hay nhân viên người Afghanistan làm việc cho nước này bị thương vong trong các vụ tấn công trên.
Theo ông Kato, Nhật Bản sẽ tìm cách sơ tán công dân nước này và nhân viên người Afghanistan làm việc cho Đại sứ quán Nhật Bản và các tổ chức khác của nước này khỏi Afghanistan cùng với hoạt động sơ tán của các nước khác.
Sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát hầu hết các vùng ở Afghanistan từ giữa tháng 8, Nhật Bản đã phái 3 máy bay vận tải thuộc Lực lượng phòng vệ nước này (SDF) tới thủ đô Islamabad của Pakistan, nước láng giềng của Afghanistan, đặt căn cứ cho hoạt động sơ tán từ Kabul.
Theo một nguồn tin ngoại giao, có khoảng 500 công dân Nhật Bản và người Afghanistan làm việc cho nước này dự kiến sẽ được sơ tán khỏi Afghanistan.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhận định nguy cơ xảy ra thêm các vụ tấn công quanh sân bay Kabul gia tăng, trong bối cảnh các binh sĩ phương Tây chuẩn bị hoàn tất kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan.
Phát biểu trên kênh Sky News, ông Wallace lưu ý rằng các vụ đánh bom hôm 26/8 - làm 85 người chết, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ, không đẩy nhanh tiến độ sơ tán của Anh khỏi quốc gia Tây Nam Á này.
Bộ trưởng Wallace nêu rõ: "Mối đe dọa đó rõ ràng đang gia tăng khi chúng tôi chuẩn bị rời khỏi đây. Khi chúng tôi rời khỏi đây, các nhóm (khủng bố) như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ muốn đưa ra tuyên bố rằng chúng đã đánh đuổi Mỹ hoặc Anh".
Bộ trưởng Wallace cũng thông báo nước này dự kiến hoàn tất hoạt động sơ tán khỏi Afghanistan tính theo “giờ đồng hồ”. Anh đã đóng cửa Khách sạn Baron, nơi tập trung những người muốn bay sang Anh cũng như đóng cửa trung tâm giải quyết người xin tị nạn vào nước này và cổng Abbey, một trong những lối vào sân bay Kabul và là một trong những nơi xảy ra hai vụ đánh bom liều chết vừa qua.
Gần 14.000 công dân Anh và người Afghanistan làm việc cho Anh đã được sơ tán khỏi Afghanistan trong nỗ lực sơ tán của nước này kể từ giữa tháng 8.
Cùng ngày, Chính phủ Tây Ban Nha cho biết đã chấm dứt công tác sơ tán khỏi Afghanistan chỉ một tuần sau khi nước này bắt đầu thực hiện công tác sơ tán bằng đường hàng không sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Tây Ban Nha cho biết một máy bay quân sự A400 khởi hành từ sân bay Kabul đã hạ cánh xuống Dubai vào sáng 27/8 và một máy bay thứ hai dự kiến sắp hạ cánh xuống Dubai. Với hai chuyến bay này, hoạt động sơ tán công dân Tây Ban Nha và người Afghanistan làm việc cho nước này cùng gia đình họ đã được hoàn tất. Hai máy bay chở 81 công dân Tây Ban Nha, 4 binh sĩ Bồ Đào Nha và 83 người Afghanistan làm việc cho Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo Chính phủ Tây Ban Nha, những người này sẽ đáp một máy bay của hãng Air Europa khởi hành từ Dubai tới căn cứ quân sự Torrejon de Ardoz gần thủ đô Madrid vào chiều cùng ngày.
Quân đội Tây Ban Nha đã sơ tán tổng cộng 1.898 nhân viên người Afghanistan và gia đình họ, những người làm việc cho Tây Ban Nha, Mỹ, Bồ Đào Nha, Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc và NATO cũng như nhân viên của đại sứ quán Tây Ban Nha tại Kabul.