Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn nhận định của các nhà sử học cho biết Đô đốc Zheng He thời nhà Minh cách đây 600 năm đã 4 lần đưa thuyền đến bờ biển Kenya. Nhiều thế kỷ sau đó, Trung Quốc tìm cách gắn sự kiện lịch sử này với một số dự án ở châu Phi.
Cơ quan quản lý cảng biển Kenya (KPA) xác nhận công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) đã hoàn thiện 3 điểm tàu đậu ở bến tại cảng Lamu - nơi dự kiến sẽ là điểm chuyển tải cho các tàu container và tàu chở dầu. Dự án 5 tỷ USD này thuộc chương trình hạ tầng 25 tỷ USD mang tên Hành lang giao thông cảng Lamu Nam Sudan Ethiopia vốn kết nối Kenya với Ethiopia, Uganda và Nam Sudan.
Nhóm nghiên cứu Economist Intelligence Unit thuộc tạp chí kinh tế uy tín The Economist đánh giá tập đoàn CMG (Trung Quốc) chuyên về vận hành cảng biển đã đầu tư mạnh tay và ký nhiều thỏa thuận tại Djibouti, Nigeria và Togo. Tháng 12/2020, CMG đã ký thỏa thuận đầu tư 350 triệu USD với một công ty nhà nước Djibouti để sửa chữa và biến cảng Djibouti thành trung tâm hậu cần và kinh doanh quốc tế.
CMG thực hiện khoản đầu tư trên không lâu sau các khoản đầu tư khác vào Djibouti trị giá 590 triệu USD dành cho cảng đa chức năng Doraleh và 3,5 tỷ USD cho khu thương mại tự do.
Các nhà phân tích tại Economist Intelligence Unit nhận định những khoản đầu tư này không quá bất ngờ bởi vai trò quan trọng của Djibouti là trung tâm chuyển tải thuộc Con đường Tơ lụa trên biển liên quan đến “Vành đai, Con đường”. Bên cạnh đó, Djibouti còn có tiềm năng nhờ là cửa ngõ tiếp cận với những khu vực khác thuộc châu Phi khi nằm tại địa điểm có tuyến hàng hải sôi động di chuyển qua Vịnh Aden và Biển Đỏ.
Các nhà phân tích còn liệt kê những dự án phát triển cảng biển khác có “yếu tố Trung Quốc cấp tài chính và thi công” liên quan đến “Vành đai, Con đường” tại Ivory Coast, Ghana, Nigeria, Cameroon, Tanzania, Kenya, Ai Cập…
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) trong năm 2019 đã đề cập đến 46 cảng biển tại châu Phi có liên quan tới tài chính, thi công hoặc vận hành từ các thực thể Trung Quốc. Theo CSIS, các cơ sở này hình thành “xương sống” cho Con đường Tơ lụa biển của Trung Quốc và việc đầu tư vào các cảng biển châu Phi hình thành “lộ môn” để Trung Quốc tạo ảnh hưởng trong khu vực.
Bà Yun Sun tại Trung tâm Stimson (Mỹ) đánh giá Bắc Kinh coi các cảng biển đóng vai trò thiết yếu trong kế hoạch kinh tế về ngắn hạn và mở rộng ảnh hưởng về dài hạn. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Tim Zajontz tại Đại học Edinburgh (Anh) nhận định đầu tư của Trung Quốc vào các cảng biển đóng vai trò quan trọng đối với chính sách ngoại thương của Bắc Kinh.
Giáo sư David Shinn tại Đại học George Washington lập luận rằng tài chính, xây dựng và đầu tư, quản lý các cảng biển là phương thức để các công ty Trung Quốc kiếm thêm tiền và tạo dựng ảnh hưởng kinh tế, an ninh.