Trung Quốc mua 300 máy bay Airbus – cú đòn choáng váng với Boeing

Trung Quốc sẽ mua 290 máy bay A320 và 10 máy bay A350 của hãng chế tạo Airbus. A320 chính là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của dòng 737 Max đầy bê bối của Boeing. 

Chú thích ảnh
Máy bay A350-1000 của Airbus thực hiện chuyến bay thử nghiệm tại sân bay Chateauroux, Pháp ngày 8/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Pháp, tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu đã giành được hợp đồng bán tàu bay trị giá 35 tỷ USD cho quốc gia châu Á này. Động thái trên chính là một đòn đánh mới đối với hãng Boeing của Mỹ sau khi toàn dòng máy bay bán chạy nhất của hãng này 737 MAX bị đình bay để điều tra lỗi kỹ thuật. 

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Chính phủ Pháp thông báo hợp đồng máy bay trị giá 35 tỷ USD trên nằm trong số 15 hợp đồng kinh doanh được ký hôm 25/3 giữa Bắc Kinh và Paris. Việc ký kết thỏa thuận này diễn ra khi Chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Elysee. Ông Macron đã hoan nghênh thương vụ này, gọi đây là một "tín hiệu tuyệt vời".

Văn phòng của Tổng thống Macron cho biết thỏa thuận lớn trên bao gồm 290 chiếc máy bay thân hẹp A320 và 10 chiếc thân rộng A350. Theo bảng giá niêm yết của hãng chế tạo, mẫu máy bay thương mại A320 Neo mới nhất trị giá 110,6 triệu USD và máy bay A350-900 trị giá 317,4 triệu USD. 

Dòng 737 MAX thân hẹp của Boeing – đối thủ lớn nhất của A320 – đã phải ngừng hoạt động sau hai vụ tai nạn liên tiếp trong vòng 5 tháng. Hãng chế tạo Mỹ cũng đang chật vật đối phó với hậu quả từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. 

Trung Quốc đã trở thành thị trường quan trọng bậc nhất đối với cả Airbus và Boeing khi nhu cầu đi lại của tầng lớp trung lưu ở nước này gia tăng nhanh chóng. Trong khi triển vọng đặt hàng của công ty Mỹ gặp trở ngại bởi chiến tranh thương mại, Airbus đã củng cố vị thế của mình với lời đề nghị mở rộng dây chuyền sản xuất tại Thiên Tân (Trung Quốc).

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp máy bay A320 tại Thiên Tân. Ảnh: Xinhua

Thỏa thuận “khủng” với Trung Quốc được đánh giá là một cú thúc đẩy cho nhà lãnh đạo mới của Airbus, ông Guillaume Faury, người sẽ chính thức điều hành từ tháng 4 này. Doanh số của Airbus năm 2019 đã chứng kiến một trong những khởi đầu ì ạch nhất của thập kỷ qua, với 103 vụ hủy đặt hàng và chỉ có 4 đơn đặt hàng mới trong hai tháng đầu năm. 

737 MAX từng là mẫu máy bay bán chạy nhất của Boeing với giá trị các hợp đồng đặt mua lên tới hơn 500 tỷ USD tính theo giá niêm yết. Tuy nhiên, sau hai vụ tai nạn thảm khốc với hãng hàng không Lion Air (Indonesia) khiến 157 người thiệt mạng hồi tháng 10/2018 và với hãng Ethiopian Airlines hôm (Ethiopia) 10/3 khiến 189 người thiệt mạng, dòng máy bay này đã bị cấm hoạt động trên toàn thế giới. Một số hãng hàng không đã thông báo kế hoạch hủy hợp đồng mua mẫu máy bay này.  

Trong nỗ lực đưa 737 MAX trở lại bầu trời, Boeing đã mời trên 200 phi công, các giám đốc kỹ thuật và các nhà quản lý tới một buổi họp công bố thông tin diễn ra vào ngày 27/3 tới. 

Cuộc họp diễn ra tại Washington là một phần của kế hoạch tiếp xúc với tất cả các hãng hàng không hiện sử dụng dòng Boeing 737 MAX và nhiều hãng hàng không có ý định sử dụng mẫu máy bay này trong tương lai cùng với các cơ quan quản lý để thảo luận về những cập nhật phần mềm và chương trình tập huấn phi công mà Boeing đang hoàn tất nhằm cải thiện độ an toàn của 737 MAX.

Người phát ngôn của Boeing cho biết sự kiện này là một trong loạt những cuộc tiếp xúc mà Boeing dự định tổ chức để kết nối với tất cả những khách hàng hiện tại và tương lai.

Giám đốc điều hành hãng hàng không Garuda Indonesia xác nhận đã nhận được thư mời của Boeing hôm 22/3 nhưng vì thời gian thông báo gấp nên không thể cử phi công tới cuộc họp trong khi phía Boeing từ chối họp trực tuyến.

Trước đó, Garuda thông báo kế hoạch hủy hợp đồng đặt mua 49 máy bay 737 MAX với lý do mẫu máy bay đã làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin từ các hành khách.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Hơn 5 thập kỷ bị chiếm đóng và những toan tính chiến lược ở Cao nguyên Golan
Hơn 5 thập kỷ bị chiếm đóng và những toan tính chiến lược ở Cao nguyên Golan

Cao nguyên Golan rộng 1.800km2 bị Israel chiếm đóng kể từ cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967 là vùng lãnh thổ mang ý nghĩa quan trọng chiến lược về mặt quân sự và tài nguyên đối với cả Syria và Israel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN