Giữa khủng hoảng 737 Max, xuất hiện thông tin số tiền Boeing chi cho vận động hành lang

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ cho thấy hãng sản xuất máy bay Boeing chi rất nhiều tiền để tài trợ cho các ứng cử viên, tổ chức chính trị.

Báo cáo mới nhất của Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ cho thấy hãng sản xuất máy bay Boeing chi rất nhiều tiền để tài trợ cho các ứng cử viên, tổ chức chính trị.

Chi bộn tiền cho hoạt động chính trị

Báo cáo cho thấy Boeing đóng vai trò là nhà tài trợ chính trị và là nhà tài trợ rất hào phóng khi chi hơn 753.000 USD cho các ứng cử viên và các tổ chức của cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ trong tháng 2/2019.

Chú thích ảnh
Boeing chi nhiều tiên cho vận động hành lang và chính trị. Ảnh: Getty

Theo tờ USD Today, Boeing – tập đoàn đang bị soi xét sau hai vụ rơi máy bay 737 Max khiến hàng trăm người chết – đã chi mạnh tay cho các tổ chức chuyên hỗ trợ bầu các thành viên Hạ viện cũng như thống đốc. Ủy ban hành động chính trị của Boeing cũng đóng góp trực tiếp cho khoảng 100 ứng cử viên quốc hội trong tháng 2. 

Những người nhận tiền tài trợ của Boeing gồm Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện; Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Enzi, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện và Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons, thành viên Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện.

Trong số các thành viên Hạ viện nhận tiền từ Boeing tháng 2 có Hạ nghị sĩ Dân chủ Adam Smith, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện. 

Báo cáo tháng 2 công bố ngày 20/3 cung cấp thông tin về giai đoạn trước khi xảy ra vụ rơi máy bay Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Ethiopian Airlines ngày 10/3 và sau khi xảy ra vụ rơi máy bay cùng loại của hãng Lion Air ngoài khơi Indonesia tháng 10/2018.

Ảnh hưởng của Boeing, nhà thầu lớn thứ hai của Chính phủ Mỹ, sẽ bị thách thức trong một số cuộc điều tra của quốc hội sau hai vụ rơi máy bay. Các nghị sĩ Mỹ muốn biết quy trình cấp phép loại máy bay Boeing 737 Max 8, nguyên nhân vụ tai nạn ở Ethiopia và Indonesia và lý do Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ trì hoãn đình chỉ dòng máy bay này hoạt động.

Chú thích ảnh
Boeing và Chính phủ Mỹ có mối quan hệ gần gũi. Ảnh: QZ

Năm 2017, chính phủ liên bang đã chi 23 tỷ USD trong các hợp đồng với Boeing. Nhà thầu liên bang số 1 là Lockheed Martin Corp nhận hợp đồng trị giá hơn 50 tỷ USD cùng năm.

Ủy ban hành động chính trị của Boeing, hoạt động dựa trên tiền do nhân viên đóng góp, nộp báo cáo hàng tháng về các khoản chi liên quan tới chính trị. 

Cùng kỳ, Lockheed Martin Corp chi 364.000 USD, thấp hơn nhiều so với Boeing.

Khoản chi của Boeing trong tháng 2 cũng tương tự các tháng trước đó. Trong giai đoạn trước bầu cử giữa kỳ năm 2018, Ủy ban hành động chính trị của Boeing thường chi vài triệu USD mỗi tháng cho các ứng cử viên và tổ chức chính trị. Đó là chưa kể hàng triệu USD nữa do nhân viên Boeing trực tiếp chi.

Giống như các nhà thầu quốc phòng và tập đoàn lớn ở Mỹ, Boeing chi nhiều tiền mỗi năm cho hoạt động vận động và đóng góp cho các chiến dịch. Hãng này thường “rải tiền” cho cả ứng cử viên Dân chủ và Cộng hòa.

Boeing chi 15 triệu USD tiền vận động trong năm 2018, thuộc hàng lớn nhất ở Washington.

Khủng hoảng quyền lực

Trong khi đó, đội ngũ quản lý khủng hoảng của Boeing đang đối mặt cuộc thử thách khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ về an toàn của dòng 737 Max.

Chú thích ảnh
Ông Muilenburg cho biết Boeing hợp tác trong mọi cuộc điều tra. Ảnh: REUTERS

Boeing từ lâu đã có tiếng nói quyền lực ở Washington, được hậu thuẫn bởi một đội vận động hành lang hùng hậu có mối quan hệ chặt chẽ với các nghị sĩ ở các khu vực và bang “nhà” của người lao động làm cho Boeing.

Boeing và Chính quyền Mỹ lúc đầu không nghe theo lời kêu gọi đình chỉ dòng máy bay này. Tổng giám đốc Boeing Dennis Muilenburg đã gọi điện cho Tổng thống Donald Trump hai ngày sau vụ tai nạn và ông bày tỏ niềm tin vào an toàn của máy bay.

Tuy nhiên, dưới áp lực, Tổng thống Trump đã thay đổi chỉ một ngày sau đó, ra lệnh đình chỉ dòng máy bay sau khi các quốc gia đã hành động tương tự. Boeing và Chính phủ Mỹ gặp khó khi giải thích tại sao lại hành động chậm trễ.

Ông Gene Grabowski, chuyên gia truyền thông về khủng hoảng thuộc công ty Kglobal nói với tờ The Hill: “24 đến 48 tiếng đầu sau khủng hoảng cho thấy cuộc khủng hoảng sẽ diễn biến ra sao và trong thời gian đó, Boeing đã mắc sai lầm. Bản năng đầu tiên của Boeing là Tổng giám đốc gọi cho Tổng thống. Đây không phải là động thái tồi, có thể là động thái thông minh, nhưng khi đó ông ấy đã nói điều không đúng”.

Boeing đã tìm cách trấn an dư luận, cam kết nâng cấp phần mềm cho máy bay và hợp tác với điều tra viên. Phát ngôn viên Boeing nói: “Không có nỗ lực vận động hành lang nào liên quan tới vụ 737 Max”.

Video Tổng thống Trump thông báo đình chỉ bay Boeing 737 Max 8 (nguồn: CNBC):

Tuy nhiên, Boeing ngày càng bị soi xét kỹ hơn. Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ đang rà soát lại quyết định chứng thực 737 Max năm 2017 theo yêu cầu của Bộ Giao thông. 

Mới đây, điều tra của tờ Seattle Times cho thấy Cục Điều tra Liên bang cũng tham gia điều tra hình sự vào quá trình chứng thực an toàn máy bay 737 Max.

Nhiều người cáo buộc Boeing và các hãng sản xuất máy bay có quan hệ gần gũi với các nhà quản lý.
Trong lúc này, Boeing sẽ bị theo dõi chặt chẽ trong khi họ tìm cách thuyết phục các nghị sĩ và giới chức quản lý về an toàn bay. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Hàng không quốc gia Indonesia hủy hợp đồng mua Boeing 737
Hàng không quốc gia Indonesia hủy hợp đồng mua Boeing 737

Garuda Indonesia - hãng hàng không quốc gia của Indonesia - vừa tuyên bố hủy hợp đồng mua 49 máy bay 737 của tập đoàn sản xuất Boeing.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN