Gần đây, Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria và đưa số binh sĩ này đến Iraq. Ngay lập tức, Iraq đáp trả và nói rằng quân đội Mỹ chưa được cho phép để thực hiện điều này.
Kênh RT (Nga) đánh giá quan hệ gắn kết giữa Iraq và Trung Quốc có thể khiến các quốc gia phương Tây lo lắng. Ngoài ra, tờ Diplomat từng cảnh báo rằng Trung Quốc mới là quốc gia mà các nước phương Tây nên lo ngại tại Iraq chứ không phải Iran.
Trung Quốc tuy không đóng góp nhiều về mặt quân sự để giúp chính phủ Iraq đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng như Mỹ nhưng quan hệ đối tác phát triển với Bắc Kinh cũng đem lại nhiều lợi thế cho Baghdad. Mục đích chính theo tuyên bố của Trung Quốc tại Trung Đông đơn thuần là về kinh tế và hiếm khi Bắc Kinh nhấn mạnh đến hợp tác an ninh. Điều này khá khác biệt so với Mỹ.
Vào cuối tháng 10, Iraq xác nhận chuẩn bị gia nhập Dự án Con đường Tơ lụa của Trung Quốc. Thủ tướng Adel Abdul Mahdi ca ngợi Trung Quốc vì “những ủng hộ giá trị” trong thời gian Iraq xảy ra chiến tranh.
Trong tháng 9, Thủ tướng Mahd cũng đến thăm chính thức Trung Quốc và đánh giá đây là bước tiến trong quan hệ song phương. Sau chuyến thăm này, lãnh đạo hai quốc gia ký 8 biên bản ghi nhớ.
Iraq là một trong những quốc gia giàu dầu mỏ nhất thế giới và là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ ba cho quốc gia khát “vàng đen” là Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn là đối tác thương mại số một của Iraq. Đầu tư của Trung Quốc vào Iraq không chỉ tập trung vào dầu mỏ mà còn tới các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.
Một điểm đáng chú ý là Iraq đã mua hàng tỷ USD thiết bị quân sự của Trung Quốc trong vài năm qua bao gồm máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo.