Trung Quốc không bắt buộc phải giúp bảo vệ Triều Tiên

Giới quan sát ngoại giao và quân sự Trung Quốc cho rằng nước này không bắt buộc phải giúp bảo vệ Triều Tiên khỏi cuộc tấn công quân sự nếu quốc gia này phát triển vũ khí hạt nhân.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh các quan chức cấp cao Mỹ cảnh báo tấn công chính quyền Bình Nhưỡng.

Trung Quốc và Triều Tiên đã ký hiệp ước viện trợ và hợp tác năm 1961 khi hai bên tìm cách thiết lập một mặt trận đoàn kết chống các cường quốc phương Tây. Hiệp ước chỉ rõ rằng, nếu một trong hai bên bị tấn công vũ trang, bên còn lại phải ngay lập tức hỗ trợ, trong đó có cả trợ giúp quân sự. Tuy nhiên, hiệp ước này không nhấn mạnh tới việc hai nước phải bảo vệ hòa bình và an ninh.

Theo giới quan sát, đối với Trung Quốc, việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân vi phạm Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) của Liên hợp quốc có thể là sự vi phạm hiệp ước song phương, khiến Bắc Kinh không cần phải có nghĩa vụ giúp đỡ Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể có một điều khoản giải thoát nếu bất cứ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ không bị coi là một vụ tấn công vũ trang. Đại tá hải quân Trung Quốc về hưu Li Jie nói: "Khó biết được cách Trung Quốc sẽ trợ giúp Triều Tiên về mặt quân sự trong trường hợp xảy ra chiến tranh do Bình Nhưỡng đang phát triển vũ khí hạt nhân - một hành động có thể đã vi phạm hiệp ước giữa hai nước". Ngoài ra, ông Li Jie còn cho rằng, ít khả năng Mỹ phát động cuộc chiến toàn diện vì Washington khó có thể triển khai lực lượng bộ binh tới Triều Tiên mà thiên về hành động không kích hoặc phóng tên lửa. Theo đó, ông nhấn mạnh: "Tình huống này sẽ dễ dàng hơn cho Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc sẽ không phải huy động lực lượng bộ binh tới giúp Triều Tiên mà chỉ cần phái Hạm đội Bắc hải hoặc máy bay quân sự tới tăng cường tuần tra trên Bán đảo Triều Tiên".

Chuyên gia phân tích quân sự ở Thượng Hải Ni Lexiong cho rằng, Trung Quốc sẽ phải hỗ trợ quân sự cho Triều Tiên nếu các lực lượng bộ binh Mỹ xâm lược, song việc Bình Nhưỡng vi phạm NPT là "lý do mạnh mẽ" để Bắc Kinh loại trừ lựa chọn này.


Theo chuyên gia Zhou Chenming thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và quân sự Knowfar, chiến tranh Triều Tiên ít khả năng xảy ra vì tất cả các bên liên quan đều đang tìm kiếm phương thức tháo gỡ căng thẳng. Tuy nhiên, nếu xung đột quân sự bùng phát, Trung Quốc có thể giúp tiếp tế lương thực và vũ khí (như xe tăng cũ) cho Triều Tiên.

TTXVN/Tin Tức
Sức mạnh hủy diệt của ‘bom mẹ’ GBU-43 mà Mỹ thả xuống Afghanistan
Sức mạnh hủy diệt của ‘bom mẹ’ GBU-43 mà Mỹ thả xuống Afghanistan

Tuy sức mạnh hủy diệt của ‘bom mẹ’ GBU-43 không bằng bom nguyên tử song chúng vẫn là trái bom phi hạt nhân lớn nhất mà quân đội Mỹ sử dụng trong thời chiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN