Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed – tức Ngân hàng trung ương Mỹ) đã ra tín hiệu rõ ràng rằng đã đến lúc phải hạ lãi suất, đánh dấu một cột mốc quan trọng cho cuộc chiến chống lạm phát mang tính lịch sử, và cho đến nay là thành công, của Fed.
"Đã đến lúc chính sách phải điều chỉnh", Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại cuộc họp thường niên của các ngân hàng trung ương và các nhà kinh tế tại Jackson Hole, Wyoming. "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ thị trường lao động vững mạnh khi chúng tôi đạt được tiến triển hơn nữa hướng tới sự ổn định giá cả".
Hành động của Fed từng gây ra những diễn biến phức tạp ở châu Á, đặc biệt là kể từ giữa những năm 1990.
Lần gần đây nhất Ngân hàng trung ương Mỹ tác động vào lãi suất với mức độ dữ dội là vào khoảng năm 1994 và 1995. Việc tăng gấp đôi lãi suất ngắn hạn trong vòng 12 tháng đã mở đường cho cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997-98 khi đồng USD tăng giá chóng mặt làm mất ổn định tỷ giá của khu vực.
Kể từ đó, "cú sốc Lehman" năm 2008 mà Fed đã chậm trễ nhận ra và "cơn thịnh nộ" năm 2013 đã làm rung chuyển thị trường châu Á theo một cách không cân xứng.
Châu Á còn chịu gánh nặng của chu kỳ tăng lãi suất 2022-2023 của Fed. Sự gia tăng của đồng USD để đáp lại việc tăng lãi suất của Chủ tịch Fed Jerome Powell đã chứng kiến làn sóng vốn lớn đổ xô vào tài sản của Mỹ.
Tuy nhiên, lần này liệu việc cắt giảm lãi suất của Fed có thể gây ra một kiểu hỗn loạn khác ở châu Á không? Câu trả lời là có thể, theo nhà kinh tế Stephen Jen. Vị Tổng giám đốc điều hành của Eurizon SLJ Capital nhận định rằng các công ty Trung Quốc có thể bán tháo khoảng 1 nghìn tỷ USD tài sản được định giá bằng đô la Mỹ khi đội ngũ của ông Powell đảo ngược chiến dịch tăng lãi suất gần đây nhất.
Trên thực tế, ông Jen dự đoán một điều gì đó giống như "tuyết lở", khi đồng đô la suy yếu sẽ tạo ra làn sóng hồi hương vốn về Trung Quốc, làm đảo lộn thị trường tiền tệ trong quá trình này.
Nhà kinh tế Stephen Jen đã cảnh báo về động thái bán tháo USD như vậy trong vài năm nay. Ví dụ, vào tháng 6/2023, Jen lập luận rằng "các công ty Trung Quốc tiếp tục tích trữ đô la. Tổng lượng USD do các thực thể Trung Quốc nắm giữ tiếp tục tăng. Tỷ lệ ký quỹ cao của đồng đô la hiện có vẻ hấp dẫn đối với các thực thể Trung Quốc, nhưng mô hình này về cơ bản là không ổn định".
Ông Jen cảnh báo: "Việc Fed cắt giảm lãi suất tiềm năng và/hoặc sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc có thể dẫn đến sự sụt giảm đột ngột" trong tỷ giá USD - nhân dân tệ "khi các doanh nghiệp ở Trung Quốc đua nhau bán số USD mà họ không cần phải có".
Kể từ đại dịch Covid-19, các công ty tại Trung Quốc đại lục đã thâu tóm hơn 2 nghìn tỷ USD đầu tư ở nước ngoài. Khi Fed bắt đầu hạ lãi suất, những khoản nắm giữ đó có thể trở nên kém hấp dẫn hơn.
Ông Jen tính toán rằng, khi một khối lượng lớn các công ty đại lục quyết định rút tiền về nước, hơn 1 nghìn tỷ USD sẽ được chuyển đi khi khoảng cách giữa lãi suất của Trung Quốc và Mỹ thu hẹp.
Lúc này, khi Chủ tịch Fed Powell tuyên bố "đã đến lúc chính sách điều chỉnh" theo hướng ít hạn chế hơn, rủi ro bán tháo USD của Trung Quốc có thể xảy ra. Ông Jen nói thêm rằng điều đáng chú ý là các công ty hoán đổi tài sản bằng USD có thể thấy đồng nhân dân tệ tăng giá tới 10%.
Cũng đáng chú ý là động lực vốn hồi hương đang diễn ra ở Trung Quốc trong những tháng tới có thể mở rộng sang các công ty trên khắp châu Á.
Thị trường châu Á nhìn chung đã được cổ vũ bởi lời cam kết của ông Powell vào ngày 23/8 rằng "chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ một thị trường lao động mạnh mẽ khi chúng tôi đạt được tiến bộ hơn nữa hướng tới sự ổn định giá cả".
Ông Powell tự tin rằng Mỹ có thể đạt được cái gọi là "hạ cánh mềm", một sự kiện cực kỳ hiếm gặp. “Với việc giảm lãi suất một cách hợp lý, có lý do chính đáng để nghĩ rằng nền kinh tế sẽ quay trở lại mức lạm phát 2% trong khi vẫn duy trì được thị trường lao động mạnh mẽ”, ông Jen nói với Bloomberg.
Các sàn giao dịch chứng khoán châu Á vui mừng trước thông tin Powell “đã rung chuông báo hiệu bắt đầu chu kỳ cắt giảm” - Seema Shah, chiến lược gia toàn cầu trưởng tại Principal Asset Management, cho biết.
Ông Chetan Seth, chiến lược gia tại Nomura Holdings lưu ý, những lợi ích thực sự có thể sẽ đến từ các thị trường “chậm chân” của châu Á. Ông Seth gần đây viết: “Chúng tôi nghĩ rằng nơi trú ẩn tương đối an toàn có thể là các thị trường và lĩnh vực không quá đông đúc (một số khu vực của ASEAN) và các thị trường được thúc đẩy bởi nội địa nhiều hơn (như Ấn Độ, ASEAN). Trong trường hợp này, các nhà đầu tư phải phòng thủ nhiều hơn và cắt giảm thêm nữa trên các thị trường theo chu kỳ của châu Á như ở Bắc Á”.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro khác. Stephen Jen nằm trong số các nhà kinh tế lo ngại rằng các ngân hàng trung ương từ Washington đến Tokyo đã bơm quá nhiều kích thích vào hệ thống tài chính toàn cầu trong những năm gần đây, làm gia tăng lạm phát.
Như Chủ tịch Fed đã nói vào tháng 7: “Nếu thực hiện quá sớm, bạn sẽ làm suy yếu tiến trình lạm phát. Chờ quá lâu hoặc không đi đủ nhanh, bạn sẽ gây nguy cơ cho sự phục hồi. Và vì vậy, chúng ta phải cân bằng hai điều đó. Đây là một sự cân bằng khó khăn.”
Vấn đề là chi phí cho một sai lầm về chính sách đang tăng theo cấp số nhân với nợ quốc gia cao và đang tăng của Mỹ - gần đây đã lên tới 35 nghìn tỷ USD. Cột mốc này đạt được chỉ vài tháng trước khi người Mỹ đi bỏ phiếu vào ngày 5/11 để bầu một tổng thống mới.