Trong một phát biểu, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết vấn đề cốt lõi của RCEP là ở việc thực hiện hiệp định này. Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ phối hợp với các đơn vị khác hỗ trợ chính quyền các địa phương và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định của RCEP, thúc đẩy hội nhập sâu hơn các chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng giữa các thành viên ký kết hiệp định, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực với chất lượng cao hơn và sâu rộng hơn ở Đông Á.
RCEP được 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch. Sau khi RCEP có hiệu lực, hơn 90% hàng hóa thương mại giữa các thành viên của hiệp định này sẽ được hưởng thuế bằng 0.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích của New Zealand cho biết, Hiệp định RCEP là một “ví dụ tuyệt vời” về cách mà hợp tác khu vực có thể mang lại những lợi ích kinh tế to lớn, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi kinh tế thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn.
Chris Lipscombe, chiến lược gia kinh doanh quốc tế và Chủ tịch Quỹ Thương mại Điện tử xuyên biên giới Trung Quốc - New Zealand, hoan nghênh việc Trung Quốc, New Zealand và các nước khác phê chuẩn hiệp định RCEP, nhấn mạnh rằng RCEP sẽ thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và thế giới trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Trung Quốc, đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn nhất của New Zealand, đã nâng cấp hiệp định thương mại tự do với New Zealand vào tháng 1/2021. Theo số liệu từ Cơ quan thống kê New Zealand (Statistics NZ), từ ngày 1/1/2021 đến ngày 20/10/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của New Zealand sang Trung Quốc đạt 15,36 tỷ NZD (10,88 tỷ USD), tăng 26% so với mức tương ứng 12,19 tỷ NZD của cùng kỳ năm ngoái.
Về phần mình, He Zhiyun, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc, cho biết RCEP sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho các bên tham gia.