Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang trên đà phục hồi ngày càng nhanh chóng.
Theo NBS, chỉ số PPI tháng Ba đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với dự đoán tăng 3,5% được đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters và mức tăng 1,7% trong tháng Hai. Số liệu trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc trong quý I năm nay.
Số liệu được công bố hồi tuần trước cho thấy hoạt động chế tạo của Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong ba tháng qua vào tháng Ba, khi các nhà máy tăng gia sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang tăng mạnh.
Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung Quốc của công ty Nomura, cho rằng thị trường có thể đang ngày càng lo ngại về áp lực từ lạm phát gia tăng đối với lập trường chính sách của Bắc Kinh, nhưng Nomura dự đoán Trung Quốc sẽ giữ vững cam kết “không có sự thay đổi lớn nào về chính sách”. Ông dự đoán PPI của Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 6% vào giữa năm nay.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp, trong đó có giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc kể từ đầu năm 2020 để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng Bắc Kinh đã chuyển sang một lập trường ổn định hơn khi đà phục hồi được củng cố.
Cũng theo NBS, chỉ số giá tiêu dùng (CPI - cơ sở tính lạm phát) tăng 0,4% trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự đoán tăng 0,3% trong cuộc khảo sát của Reuters và đánh dấu sự quay trở lại lạm phát sau hai tháng giảm phát liên tiếp. CPI đã giảm 0,2% trong tháng Hai.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng khá khiêm tốn cho năm nay, ở mức khoảng 6%, nhưng phần đông giới phân tích dự đoán nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng hơn 8% sau khi chỉ tăng 2,3% trong năm ngoái, mức tăng trưởng cả năm thấp nhất hơn 40 năm qua do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bắc Kinh đã cảnh báo rằng những bất ổn liên quan đến đại dịch đã khiến hơn 3 triệu người tử vong trên toàn cầu này sẽ tiếp tục phủ bóng lên triển vọng của nền kinh tế.