Theo kênh truyền hình CNN, báo cáo việc làm tháng 9 công bố vào ngày 7/10 cho thấy các nhà sản xuất Mỹ đã bổ sung thêm 22.000 công nhân vào tháng 9, khiến số việc làm trong lĩnh vực này tăng gần 500.000 việc trong suốt 12 tháng qua.
Gần 13 triệu công nhân làm việc trong các nhà máy của Mỹ đã trở thành lực lượng lao động lớn nhất của ngành kể từ cuộc Đại suy thoái cách đây hơn 10 năm. Kể từ tháng 4, việc làm trong lĩnh vực sản xuất gia tăng với tốc độ khoảng 4%, tốc độ tăng bền vững nhanh nhất kể từ năm 1984.
Các nhà tuyển dụng nói rằng họ đang nỗ lực tìm thêm nhiều công nhân hơn nữa.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang gây ra nhiều vấn đề trong nền kinh tế toàn cầu, nhiều công ty Mỹ phụ thuộc vào các nhà cung cấp ở nước ngoài đã đưa dây chuyền sản xuất các nguồn linh kiện và hàng hóa về lại quê hương.
Hayden Jennison, Giám đốc sản xuất của Tập đoàn Jennison tại Carnegie, bang Pennsylvania, cho hay: “Phải mất nhiều tháng để các bộ phận đi vào hoạt động. Chúng tôi phải tân trang mọi thứ, từ thiết bị chữa cháy đến máy móc xây dựng”.
Hayden tiết lộ mặc dù công ty ông đang trả từ 20 đến 30 USD/h, song họ vẫn không thể tìm thấy đủ số lượng người lao động cần. Jennison lý giải: “Tuyển dụng trở thành một vấn đề nan giải kể từ năm 2020. Để thuê những ứng viên có kinh nghiệm hiểu ngành và hiểu những gì họ đang làm là rất khó”.
Jay Timmons, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia (NAM), chia sẻ: “Với mỗi 100 chỗ trống việc làm trong lĩnh vực này, chúng tôi chỉ bắt gặp 60 người đang tìm kiếm cơ hội. Tôi nghĩ sẽ mất khá nhiều thời gian để lấp đầy nhu cầu đó”.
Timmons cho biết lương trong lĩnh vực sản xuất đã tăng 5% so với năm ngoái và ông hy vọng nó sẽ tiếp tục tăng khi các nhà sản xuất tranh giành lao động có tay nghề cao.
Các chuyên gia cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất mà các nhà sản xuất gặp phải trong việc thu hút lao động là nhận thức của họ về bản chất công việc.
“Chúng ta thường thấy công việc sản xuất thường gắn liền với hình ảnh những tia lửa đang bay, công nhân thì đang nối mối hàn tại một khu xưởng tồi tàn, tối tăm. Tuy nhiên, giờ đây, các công việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao”, Eric Esoda - Giám đốc điều hành của một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ tư vấn và đào tạo cho các nhà sản xuất quy mô vừa và nhỏ ở Đông Bắc Pennsylvania – lý giải.
Các nhà sản xuất cũng đang tìm đến một nhóm lao động tiềm năng khác, là lao động nữ. Theo NAM, sản xuất vẫn là ngành do nam giới thống trị. Chỉ 30% công việc tại các nhà máy do nữ giới đảm nhiệm. So với 2 năm nước, con số này chỉ là 27%.
Viện Sản xuất, một nhánh phát triển lực lượng lao động và giáo dục của NAM, cho biết các công ty đã triển khai nhiều chương trình khác nhau nhằm nâng cao tỷ lệ lao động nữ trong các nhà máy lên 35% vào năm 2030.