Kênh CNN (Mỹ) ngày 23/7 dẫn lời một quan chức nắm rõ tình hình Triều Tiên trong vấn đề này cho hay, nếu Mỹ không muốn thay thế thỏa thuận đình chiến chấm dứt chiến tranh Triều Tiên bằng một nền hòa bình vĩnh cửu để đảm bảo sự tồn tại của chế độ Triều Tiên, Bình Nhưỡng có thể sẽ không tiếp tục đàm phán phi hạt nhân hóa.
Việc thiết lập một hiệp ước hòa bình ràng buộc về mặt pháp lý sẽ đòi hỏi sự chấp thuận của 2/3 Quốc hội Mỹ.
Theo quan chức này, Triều Tiên đang gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump để bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Bình Nhưỡng cho rằng mình đã hành động rất nhiều như ngừng thử tên lửa và hạt nhân, phá hủy bãi thử hạt nhân và tạo thuận lợi cho việc hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ từ thời chiến tranh.
Về phần mình, theo như một quan chức Mỹ, ông Trump đã bày tỏ thất vọng khi các cuộc đàm phán thiếu tiến triển, mặc dù ông đánh giá việc ngừng thử tên lửa là một dấu hiệu tích cực.
Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đều kêu gọi sự kiên nhẫn, không cần vội vàng kể từ sau khi tổ chức cuộc thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore. Ngày 17/7, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh “không có giới hạn thời gian” hoặc “giới hạn tốc độ” liên quan tới đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên.