Tổng thống Trump thành người đến sau trong 'cuộc tình tay ba' Nga-Trung-Mỹ

Theo giới phân tích chính trị, trong cuộc đua giành thiện cảm từ người đứng đầu Điện Kremlin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chậm hơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một bước.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Donald Trump chạy đua giành thiện cảm của người đồng cấp Putin (giữa). Ảnh: ABC

Sự mềm mỏng của Tổng thống Mỹ Donald Trump giành cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong Hội nghị Thượng đỉnh Helsinki đang gây bão trong dư luận Mỹ.

Mong muốn tạo dựng một mối quan hệ tốt đẹp với người đồng cấp Nga của Tổng thống Trump đã khiến một số người Mỹ phật lòng. Phát ngôn của ông tại Hội nghị Helsinki, thể hiện sự tin tưởng vào người đồng cấp Putin thay vì các cơ quan tình báo Mỹ, đã gây ra một sự phẫn nộ không nhỏ trong một bộ phận chính trị gia Mỹ.

Theo các nhà phân tích chính trị, với mối tình tay ba giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc, Tổng thống Trump không theo kịp nhà lãnh đạo Trung Quốc trong việc lấy được tình cảm từ người đồng cấp Nga.

"Tổng thống Trump rõ ràng thể hiện ông hâm mộ người đồng cấp Putin", Li Xin, Giám đốc trung tâm Nga tại Viện Nghiên cứu Ngoại ngữ Thượng Hải cho biết, "nhưng mọi người đều biết rằng Tổng thống Trump thường xuyên thay đổi suy nghĩ. Nỗ lực thân thiện của ông ấy không thể cạnh tranh với sự gần gũi và lịch sử lâu dài của mối quan hệ giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Putin.”

Rõ ràng điều tạo liên kết giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Trung là sự cần nhau về mặt chiến lược cũng như mối quan hệ cá nhân mật thiết gây dựng từ lâu. Trước Hội nghị Helsinki một tháng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định nhà lãnh đạo Nga là "người bạn thân thiết nhất của ông". Thậm chí ông Tập Cận Bình còn tặng nhà lãnh đạo Nga "Huy chương Hữu nghị" đầu tiên của Trung Quốc.

Trung Quốc luôn muốn dầu và khí đốt của Nga để củng cố sức mạnh cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, Moskva cần các hoạt động thương mại và đầu tư từ Trung Quốc nhiều hơn bao giờ hết sau khi bị phương Tây cô lập vì sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014. Bên cạnh đó, cả hai quốc gia đều có quan điểm phán đổi gay gắt chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở vùng Trung Á và sự thống trị toàn cầu của Mỹ.

"Cả hai nhà lãnh đạo đều tìm cách khiến sức ảnh hưởng của Mỹ giảm sút, làm suy yếu liên minh của Mỹ và thay đổi hệ thống quốc tế để thuận lợi hơn cho họ”, chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington trả lời báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) trong thư điện tử.

Trước chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 6, Tổng thống Putin hồi tưởng về việc tổ chức sinh nhật với Chủ tịch Tập Cận Bình bằng rượu Vodka và xúc xích cách đây 5 năm, khẳng định trên một kênh truyền hình Trung Quốc: “Tôi chưa bao giờ thiết lập một mối quan hệ như vậy hoặc thỏa thuận với bất kỳ cộng sự nước ngoài nào khác, nhưng tôi đã làm những việc đó với Chủ tịch Tập Cận Bình”.

Theo Alexander Gabuev - chuyên gia quan hệ Trung-Nga thuộc Trung tâm Carnegie Moscow - hai nhà lãnh đạo hai nước có thể trở thành những người bạn thực sự. “Trung Quốc không có gì phải lo lắng”.

Sau Hội nghị Thượng đỉnh Helsinki, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoan nghênh quan hệ Mỹ-Nga được cải thiện. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh "đầy tự tin" về mối quan hệ với Moskva. "Quan hệ Trung Quốc-Nga sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ yếu tố bên ngoài nào", bà Hoa Xuân Oánh cho biết.

Tuy nhiên, vẫn có khả năng Washington và Moskva một ngày nào đó cảm thấy họ cần phải đoàn kết để đương đầu với Trung Quốc nếu sự gia tăng ảnh hưởng của "người khổng lồ" châu Á này xáo trộn lợi ích của Mỹ, Nga.

Chuyên gia bình luận Harry Kazianis gợi mở: "Ngày hôm nay chúng ta có thể coi Nga là một quốc gia gây khó dễ, song ngày mai nó có thể trở thành đối tác trong việc kiềm chế một đối thủ chung”. Tuy nhiên, các chuyên gia thừa nhận việc này không thể xảy ra sớm.

Đối với Trung Quốc, quốc gia này có lẽ đang hài lòng trước sự chia rẽ ngày càng tăng giữa Washington và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu. "Bắc Kinh có quan hệ tốt với cả Washington và Moskva, hơn nhiều so với mối quan hệ giữa Mỹ và Nga", chuyên gia Glaser nhận xét.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tổng thống Mỹ lên tiếng sau hội nghị thượng đỉnh với Nga
Tổng thống Mỹ lên tiếng sau hội nghị thượng đỉnh với Nga

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/7 đánh giá mối quan hệ giữa Washington với Moskva đã ở mức tồi tệ nhất từ trước đến nay, song mối quan hệ này đang được cải thiện và sẽ trở nên tốt đẹp hơn trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN