Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nga đầu tiên dưới thời của Tổng thống Trump được tổ chức tại thủ đô Helsinki, Phần Lan vào 17h30 chiều 15/7 (giờ Việt Nam).
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, Andrey Kortunov - Tổng giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC), một trong những tập đoàn tư vấn chiến lược hàng đầu, chia sẻ với hãng tin RT những nhận định của ông về sự kiện sắp tới.
Ông Kortunov tin rằng Tổng thống Nga có thể không đàm phán trực tiếp với Mỹ mà bất chấp lợi ích của EU, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng giữa người đồng cấp Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu gia tăng.
So với Mỹ, châu Âu vẫn là đối tác quan trọng hơn đối với Nga, và họ cũng có chung quan điểm ngoại giao tương tự về nhiều vấn đề quốc tế.
“Liên minh châu Âu mới là đối tác thương mại, nguồn đầu tư và công nghệ chính của Nga. Về một số vấn đề quan trọng đối với Moskva như thỏa thuận hạt nhân Iran hoặc thực trạng Jerusalem, quan điểm của các nước châu Âu gần giống với Nga hơn so với Mỹ. Nói tóm lại, châu Âu là đối tác đáng tin cậy và có thể lường trước được hơn so với Mỹ”, ông Kortunov giải thích.
Nga cũng xem xét sự "tái sắp xếp" mà Mỹ áp dụng đối với "đồng minh và bạn bè", đặc biệt là trong các mối quan hệ với Iran, Syria, Triều Tiên, Venezuela và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, “phản ứng của Bắc Kinh đặc biệt quan trọng đối với Moskva, trong bối cảnh Hội nghị ở Helsinki được ráo riết chuẩn bị và quan hệ Mỹ-Trung lại gặp vấn đề vì một cuộc trả đũa thương mại”.
Không chỉ vậy, Tổng thống Mỹ cũng đang gặp bất lợi trong khả năng đàm phán một cách tự do đối với Nga, ông Kortunov cảnh báo. Không giống Tổng thống Putin, Tổng thống Trump phải đối mặt với sức ép từ các nhà lập pháp và quan chức hàng đầu trong nước.
Bất kỳ thỏa thuận nào đạt được tại Helsinki có thể không chỉ bị chỉ trích, mà còn bị các quan chức trong chính quyền Washington – những người không ủng hộ quan hệ Mỹ-Nga – chỉnh sửa. Quốc hội Mỹ có thể can thiệp. "Nhiều lần Quốc hội Mỹ đã dùng tính hạn chế trong quyền hạn của Tổng thống Mỹ để giải quyết các vấn đề liên quan đến Nga”, chuyên gia Kortunov cho biết.
Với tất cả trở ngại mà cả hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga phải đối mặt, thật khó để mong đợi một "bước đột phá" trong Hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Tuy nhiên, Tổng thống Trump có thể đưa ra một số đề xuất “bất ngờ” và “bất thường”, trong khi Tổng thống Putin có thể áp dụng lối tiếp cận “thận trọng”.
"Rõ ràng, mục tiêu quan trọng nhất đối với Nga vào thời điểm này là ngăn chặn tình trạng quan hệ với Mỹ suy yếu hơn nữa, bình ổn mối quan hệ và sau đó là tiến hành bình thường hóa dần dần”, ông Kortunov nói.
Việc nối lại quan hệ ngoại giao bình thường - ít nhất là chấm dứt tình trạng trục xuất các nhà ngoại giao - có thể cũng là một trong những ưu tiên của Moscow.
Ông Kortunov kết luận, nếu hai nhà lãnh đạo tránh mắc sai lầm và không “công khai mâu thuẫn” trong quá trình gặp mặt, tất nhiên Hội nghị lần này vẫn sẽ được cả hai phía Moskva và Washington ca ngợi là một thành công chính trị lớn.