Tổng thống Trump dọa áp thuế 500 tỷ USD, Trung Quốc lặng im bất thường

Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ im lặng trước lời đe dọa mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp đặt thuế quan đối với gần như tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump đe dọa áp thuế thêm 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Kể từ khi Tổng thống Trump trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNBC ngày 20/7cho biết ông sẵn sàng có động thái khiêu khích hơn qua việc áp đặt thuế quan 500 tỷ USD cho các sản phẩm của Trung Quốc, Bộ Thương mại cũng như Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào về lời đe dọa này.

Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc, từ hãng thông tấn Tân Hoa Xã cho đến Thời báo Hoàn cầu, đều không đề cập đến mối đe dọa mới của Tổng thống Trump. Duy nhất trên tờ Nhân dân Nhật báo ra hôm 21/7 có bài viết bình luận về thương mại Mỹ-Trung song cũng không đề cập đến mức thuế 500 tỷ USD.

Trước đó, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng nhận được lệnh không viết quá về cuộc chiến thương mại, nhằm tránh lây lan lo sợ.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng không giống những lần đe dọa trước vốn nhận được phản ứng rõ rệt hơn, lời đe dọa mới nhất của Tổng thống Trump không phải là một thông báo chính thức.

Khi Washington tuyên bố sẽ áp đặt thuế quan 50 tỷ USD cho các sản phẩm Trung Quốc vào ngày 15/6, Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố, công bố các biện pháp trả đũa với danh sách chi tiết các sản phẩm của Mỹ mà Bắc Kinh sẽ nhắm tới để bổ sung thuế nhập khẩu.

Khi Tổng thống Trump tiếp tục công bố thuế quan đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD, Bắc Kinh lại nhanh chóng tuyên bố đáp trả bằng biện pháp gần như tương tự.

Iris Pang, Giám đốc phụ trách mảng kinh tế Trung Quốc của Ngân hàng ING, cho biết Trung Quốc không phản ứng trước lời đe dọa của Tổng thống Trump lần này một phần là vì có thể nhà lãnh đạo Mỹ chỉ đang đe dọa và đánh lạc hướng.

Lời đe dọa áp đặt thuế quan với hàng hóa trị giá 500 tỷ USD của Trung Quốc không phải là mới. Đó còn có thể là chiến thuật đánh lạc hướng dư luận vốn đang tập trung chỉ trích Tổng thống Trump sau khi ông tham gia Hội nghị Thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

"Điều này sẽ không khiến Trung Quốc lo lắng, trừ khi có thời gian triển khai chính sách đó cụ thể”, Giám đốc Pang giải thích.

Một lý do khác có thể là Trung Quốc không có gì để nói thêm so với các tuyên bố trước đó.

Bài viết trên Nhật báo Nhân dân ra ngày 21/7 có nói rằng Washington sẽ "gậy ông đập lưng ông”, và nhấn mạnh một cuộc chiến thương mại đều gây thiệt hại cho tất cả các bên. "Trung Quốc sẽ chịu một số thiệt hại từ cuộc chiến thương mại này với Mỹ... và chúng tôi phải thực hiện một số biện pháp đối phó. Trung Quốc cần phải cho Mỹ nếm chịu một cuộc tấn công đau đớn, phủ đầu để quốc gia đó nhận ra rằng chiến tranh thương mại là một thảm họa cho chính họ, cho các nước khác và toàn thế giới."

Trên thực tế, Trung Quốc cũng không thể đáp trả tương xứng với quy mô áp thuế 500 tỷ USD mà Tổng thống Trump đề xuất - gần bằng tổng giá trị các sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ năm ngoái. Theo dữ liệu của Mỹ, tổng giá trị mặt hàng Mỹ xuất vào Trung Quốc chỉ ở mức 130 tỷ USD.

Tính đến nay, Trung Quốc và Mỹ đã áp thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa của nhau. Ngoài ra, mức thuế áp lên 16 tỷ USD hàng hóa nữa dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực trong những tuần sắp tới. Trong khi đó, Washington đang lên kế hoạch bắt đầu áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Ngoài những lời đe dọa áp thuế bổ sung, Tổng thống Trump cũng chỉ trích sự sụt giá gần đây của đồng nhân dân tệ.

Trong dòng tweet đăng hôm 20/7, Tổng thống Trump có viết: "Trung Quốc, Liên minh châu Âu và những nước khác đã điều chỉnh tiền tệ và lãi suất của họ thấp hơn, trong khi Mỹ tăng lãi suất, đồng đô la ngày càng mạnh hơn mỗi ngày - điều này đã lấy đi lợi thế cạnh tranh lớn của chúng ta. Như thường lệ, đây không phải là cuộc chơi công bằng”.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Tổng thống Trump thành người đến sau trong 'cuộc tình tay ba' Nga-Trung-Mỹ
Tổng thống Trump thành người đến sau trong 'cuộc tình tay ba' Nga-Trung-Mỹ

Theo giới phân tích chính trị, trong cuộc đua giành thiện cảm từ người đứng đầu Điện Kremlin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chậm hơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một bước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN