CHDCND Triều Tiên ngày 10/4 thông báo đã gắn vệ tinh vào tên lửa, hoàn tất công tác chuẩn bị và sẵn sàng cho vụ phóng tên lửa trong vài ngày tới, bất chấp những phản ứng lo ngại từ cộng đồng quốc tế.
Phát biểu với các phóng viên nước ngoài có mặt tại Bình Nhưỡng, ông Ryu Kum-Chol, thành viên cấp cao của Ủy ban Công nghệ vũ trụ Triều Tiên (KCST) cho biết, họ đã hoàn tất quá trình lắp ráp trong ngày 10/4 và “vụ phóng vệ tinh sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian từ ngày 12-16/4, theo đúng kế hoạch đã định”. Hãng tin AFP dẫn lời quan chức này cho biết: “Chúng tôi đã chọn một quỹ đạo an toàn. Tầng thứ nhất của tên lửa sẽ rơi ngoài khơi cách đất liền Philíppin 160 km, tầng thứ hai cách đất liền 190 km”. Ông Ryu cũng khẳng định, trong trường hợp gặp bất cứ sự cố gì về quỹ đạo, tên lửa có khả năng tự tiêu hủy qua điều khiển từ mặt đất.
Ủy ban Công nghệ vũ trụ Triều Tiên họp báo với các phóng viên nước ngoài, khẳng định vụ phóng vệ tinh không gây tổn hại tới các nước láng giềng và toàn khu vực. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Cùng ngày, một quan chức khác của KCST là Paek Chung Ho tuyên bố, kế hoạch phóng vệ tinh của nước này sẽ không gây tổn hại đến các quốc gia láng giềng cũng như toàn khu vực. Theo ông Paek, chính phủ Triều Tiên dự kiến sẽ mời các nhà báo nước ngoài tham quan trung tâm kiểm soát vũ trụ toàn diện tại Bình Nhưỡng trong ngày 11/4.
Trước đó, theo Tân Hoa xã, khoảng 70 phóng viên nước ngoài đã được mời đến quan sát Trạm phóng vệ tinh Sohae ở khu vực Tongchang-ri thuộc tỉnh Bắc Pyongan ở miền bắc Triều Tiên. Ông Jang Myung Jin, quan chức phụ trách trạm, cho biết tên lửa đẩy ba tầng Unha-3, sẽ mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-3, đã được lắp đặt nhưng chưa được tiếp nhiên liệu. Ông Jang cho hay, tên lửa đẩy sẽ trong tình trạng sẵn sàng phóng bất cứ lúc nào kể từ ngày 12/4 tới.
Ông Jang nêu rõ, vệ tinh Kwangmyongsong-3 có trọng lượng 91 tấn và lực đẩy ban đầu là 120 tấn, trong khi tên lửa Unha-3 dài 30 m và có đường kính 2,4 m. Quan chức trên khẳng định đây là tên lửa đẩy, không phải tên lửa đạn đạo và vụ phóng vệ tinh nằm trong kế hoạch hòa bình nhằm phát triển kinh tế, nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân Triều Tiên. Theo ông Jang, tên lửa Unha-3 được trang bị một hệ thống tự hủy và vì vậy sẽ không ảnh hưởng tới các nước khác trong khu vực. Ông nhấn mạnh mọi quốc gia đều có quyền tự do khám phá không gian một cách hòa bình và Triều Tiên sẽ tiếp tục theo đuổi mục đích này bất chấp những khó khăn về kinh tế.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Kwan Jin ngày 10/4 đã có cuộc điện đàm kéo dài 30 phút liên quan đến kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên. Hai quan chức này "đã bàn tới cách thức hợp tác nhằm đối phó" với vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng cũng như các nỗ lực chung để bảo vệ Hàn Quốc.
Hằng Hạnh (Tổng hợp)