Theo trang mạng NK News, những hình ảnh ghi lại từ 3 trạm quan sát ở các đảo Ganghwa và Gyodong phía Đông Bắc Seoul (Hàn Quốc) trong ngày 16/5 cho thấy hoạt động nông nghiệp ở vùng biên giới bên phía Triều Tiên diễn ra bình thường. Hàng chục người có thể thấy vẫn làm việc ngoài đồng, trong nông trại, đi lại giữa các khu nhà.
Trước đó, chỉ trong 2 ngày cuối tuần, Triều Tiên đã ghi nhận hàng trăm nghìn ca có triệu chứng “sốt”. Tuần trước, truyền thông nhà nước Triều Tiên xác nhận đợt dịch COVID-19 đầu tiên bùng phát tại quốc gia này. Nhằm không chế đại dịch, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ thị ngay lập tức phong tỏa toàn bộ các thành phố và khu vực trên toàn quốc, áp dụng “các biện pháp khẩn cấp” để hạn chế sự lây lan của virus.
Một chuyên gia của trang NK News cho hay phương pháp tiếp cận phong tỏa theo nhóm có thể là lời giải thích cho câu hỏi vì sao hoạt động nông nghiệp vẫn được duy trì các khu vực biên giới liên Triều.
Ông Andrei Lankov, Giám đốc Korea Risk Group - công ty mẹ của NK News, nói: “Tháng 5 là mùa gieo trồng lúa ở Triều Tiên. Vào thời điểm này trong năm, sinh viên và nhân công tại thành phố sẽ được huy động về quê để hỗ trợ gieo trồng. Trong trường hợp Triều Tiên áp đặt một lệnh phong tỏa toàn diện, điều này sẽ gây ra thách thức nghiêm trọng đối với vụ mùa và khiến năng suất thu hoạch sẽ thấp”.
Video nông dân Triều Tiên làm việc ngoài trời giữa lúc quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa (nguồn: NK News):
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ đạo các quan chức nghiên cứu “những chính sách cách ly, thành công và kinh nghiệm chống dịch” của các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc. Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un tham khảo chính sách COVID-19 của Trung Quốc có thể là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang cân nhắc chính sách phong tỏa quy mô lớn như những gì xảy ra ở Thượng Hải, buộc người dân phải ở trong nhà trong vài tuần.