Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un (giữa) thị sát một cuộc diễn tập tại một căn cứ quân sự nước này. Ảnh: Deutsche Welle/ TTXVN |
Ngày 9/4, Thư ký điều hành Ủy ban trù bị của CTBT, ông Lassina Zerbo, thông báo ủy ban này đã gửi thư mời Bình Nhưỡng tham dự các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng dự kiến diễn ra vào ngày 13/6 tới, nhằm tạo ra một diễn đàn thảo luận cho các quốc gia "tại một thời điểm cần thiết hơn bao giờ hết".
Ông nêu rõ một cuộc đàm phán trực tiếp với Triều Tiên là cần thiết, để lắng nghe những quan điểm của Bình Nhưỡng và từ đó tìm ra một giải pháp ngoại giao cho vấn đề. Ông khẳng định đối thoại và ngoại giao đa phương là chìa khóa để giải quyết bất đồng, chứ không phải cô lập.
Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng được mời tham dự một hội nghị cấp cao của Ủy ban trù bị CTBT. Trước đó, ngày 6/1, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H). Đây là vụ thử hạt nhân thứ tư của Triều Tiên, sau các vụ thử năm 2006, 2009 và 2013.
CTBT được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1996, hiện đã được 183 quốc gia đã ký kết và 164 quốc gia thông qua. Tuy nhiên, 44 quốc gia có các lò phản ứng hạt nhân phục vụ nghiên cứu hoặc sản xuất điện phải ký kết và thông qua CTBT để hiệp ước này có hiệu lực. Hiện có 8 quốc gia chưa thực hiện điều này bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Israel, Triều Tiên và Pakistan.