Triệu tập nhân chứng vụ 'danh sách đen' trong bê bối chính trị Hàn Quốc

Ngày 31/1, ông Park Yong-su, người đứng đầu tổ công tố viên độc lập phụ trách điều tra vụ bê bối chính trị hiện nay tại Hàn Quốc, đã triệu tập cựu Thứ trưởng thứ nhất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Park Min-kwan với tư cách nhân chứng để phục vụ công tác điều tra.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tại một sự kiện ở Seoul ngày 29/11/2016. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Park Min-kwan giữ chức vụ Thứ trưởng thứ nhất Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch Hàn Quốc giai đoạn từ tháng 2/2015 đến tháng 2/2016, được cho là đã bị cách chức vì lơ là việc lập và quản lý "danh sách đen" gồm 10.000 văn nghệ sĩ không ủng hộ Tổng thống Park Geun-hye. Ông được triệu tập làm nhân chứng nhằm làm rõ nghi vấn Cố vấn cấp cao Phủ Tổng thống phụ trách vấn đề dân sinh Woo Byung-woo đã can thiệp vào công tác nhân sự của bộ này.

Trong một diễn biến liên quan, Nhà Xanh đã không cho phép tổ công tố độc lập tiến hành khám xét Văn phòng Phủ Tổng thống, theo kế hoạch phải diễn ra vào cuối tuần này. Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn lời một quan chức cấp cao Phủ Tổng thống giấu tên cho rằng việc khám xét như vậy "chẳng khác gì một cuộc khám xét của Viện kiểm sát".

Quan chức này khẳng định Văn phòng Tổng thống là cái nôi lưu giữ bí mật công việc cũng như quân sự, nên không thể cho phép Viện kiểm sát tiến hành khám xét. Ông cũng viện dẫn Luật tố tụng hình sự quy định không được khám xét khi chưa có sự đồng ý của người có trách nhiệm.

Đề xuất sửa đổi Hiến pháp trước bầu cử tổng thống


Trong khi đó, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon, người vừa trở về Hàn Quốc sau khi kết thúc nhiệm kỳ ở LHQ, đã đề xuất sửa đổi hiến pháp trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn.

Phát biểu với báo giới ngày 31/1, ông Ban Ki-moon cho rằng nên thành lập một cơ quan tư vấn gồm các đại diện của tất cả các đảng phái và phe phái chính trị để tiến hành sửa đổi hiến pháp trước cuộc bầu cử tổng thống. Theo ông, cấu trúc quyền lực hiện nay - tổng thống thống nắm quyền tối cao - cần được sửa đổi. Cựu quan chức LHQ đề xuất tổng thống mới sẽ chỉ nắm quyền về an ninh và đối ngoại, trong khi thủ tướng nắm quyền về các vấn đề đối nội, đồng thời đề nghị hủy bỏ quy định tổng thống chỉ được nắm quyền một nhiệm kỳ duy nhất.

Việc Quốc hội thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye ngày 9/12/2016 liên quan đến vụ
bê bối chính trị nghiệm trọng đã làm dấy lên những phỏng đoán về khả năng bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trước thời điểm luật định là vào tháng 12/2017, có thể trong thời gian từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 tới nếu Tòa án Hiến pháp ủng hộ kiến nghị luận tội của Quốc hội.

Dù vẫn chưa chính thức tuyên bố ra tranh cử tổng thống sắp tới nhưng ông Ban Ki-moon được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất của khối bảo thủ, trong bối cảnh sự ủng hộ dành cho đảng Saenuri cầm quyền đã sụt giảm kể từ khi vụ bê bối xảy ra.

Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho chính khách này đang giảm dần vì những lỗi mà ông mắc phải trong chuyến đi "gắn kết với nhân dân" trên khắp đất nước và những tin đồn của truyền thông liên quan tới một vụ hối lộ. Việc ông đề xuất sửa đổi hiến pháp được xem là nhằm tập hợp sự ủng hộ từ các ứng cử viên tổng thống tiềm năng của các phe phái chính trị, không kể ứng cử viên Moon Jae-in của đảng Minjoo đối lập.

TTXVN/Tin Tức
Đại sứ Hàn Quốc thừa nhận vai trò của bà Choi Soon-sil trong việc bổ nhiệm
Đại sứ Hàn Quốc thừa nhận vai trò của bà Choi Soon-sil trong việc bổ nhiệm

Đại sứ Hàn Quốc tại Myanmar Yoo Jae-kyung khai nhận đã gặp bà Choi Soon-sil vài lần và được bổ nhiệm làm đại sứ sau lời tiến cử của bà này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN