Bà Park Geun-hye tại một sự kiện ở Seoul ngày 29/11/2016. Ảnh: AFP/TTXVN |
Từ đầu cuộc điều tra tới nay, bà Park chưa từng trả lời thẩm vấn tổ công tố độc lập, cũng như cơ quan công tố nhà nước - cơ quan cáo buộc bà phạm tội hình sự đồng lõa với bà Choi Soon-sil.
Trong cuộc phỏng vấn riêng của kênh truyền hình Internet TV tối 25/1, bà Park cho biết đã lên kế hoạch trả lời thẩm vấn trực tiếp của tổ công tố đặc biệt. Tuy nhiên, ngày 31/1, Tổng thống Park cho biết hiện vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng xung quanh lịch trình và địa điểm diễn ra cuộc thẩm vấn.
Theo kế hoạch ban đầu, cuộc điều tra các cáo buộc chống lại bà Park sẽ kết thúc vào cuối tháng 2, nhưng có thể được gia hạn 30 ngày nếu được phép của Thủ tướng Hwang Kyo-ahn - người đang tạm giữ chức quyền Tổng thống.
Hiện bà Park đang trong quá trình luận tội tại Tòa án Tối cao sau khi Quốc hội thông qua kiến nghị luận tội bà ngày 9/12/2016. Tuy nhiên, bà cho biết không có ý định trình diện tại phiên luận tội.
Tòa sẽ có 180 ngày để ra phán quyết đối với bà Park và đang đẩy nhanh tiến độ để có thể hoàn tất việc này vào giữa tháng 3/2017. Đến nay, bà Park liên tiếp bác bỏ những lời cáo buộc tham nhũng chống lại bà và nhấn mạnh rằng vụ bê bối hiện nay có thể "đã được dàn dựng từ trước".
Bà Park Geun-hye bị nghi ngờ đã cho phép bà Choi Soon-sil can thiệp vào các công việc quan trọng của nhà nước và bị cáo buộc cấu kết với bà Choi Soon-sil tư lợi từ các quỹ do bà này đứng tên. Nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã đóng góp cho các quỹ này để đổi lại các ưu ái.
Hiện bà Park Geun-hye đang phải điều trần tại các phiên luận tội của Tòa án Tối cao, trong khi bà Choi Soon-sil đã bị bắt giữ và xét xử. Nhiều quan chức cấp cao và cố vấn của tổng thống đã bị sa thải hoặc bắt giữ. Các tập đoàn lớn đang bị điều tra để làm rõ vụ việc.
Trong một diễn biến liên quan, đảng Saenuri cầm quyền ở Hàn Quốc ngày 31/1 cho rằng Tòa án Hiến pháp nước này không nên vội vàng đưa ra phán quyết về vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye, để đảm bảo sự công bằng. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi ông Park Han-chul, người đứng đầu Tòa án Hiến pháp (gồm 9 vị thẩm phán), cho rằng tòa nên đưa ra phán quyết trước ngày 13/3.
Theo lãnh đạo đảng Saenuri, ông Chung Woo-taik, việc ông Park đưa ra thời hạn trên là không thích hợp và việc không xem xét tất cả mọi khía cạnh của vụ việc có thể gây ra nghi ngờ về tính hợp pháp của phán quyết cuối cùng. Ông nêu rõ tòa án phải đưa ra kết luận tốt nhất dựa trên Hiến pháp, luật pháp và lương tâm mà không bị chi phối bởi lợi ích cá nhân hay yếu tố chính trị nào.
Ông Park Han-chul sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 31/1 và 1 vị thẩm phán khác cũng thuộc Tòa án Hiến pháp là Lee Jung-mi cũng sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 13/3. Đảng Dân chủ đối lập cho rằng Tòa án Hiến pháp không nên lựa chọn người thay thế ông Park vì việc này có thể ảnh hưởng đến các thủ tục hiện nay.