Phóng viên TTXVN tại Nam Phi dẫn nguồn từ Cục Bảo vệ thiên nhiên Botswana cho biết đã phát hiện 537 con kền kền thuộc 5 chi khác nhau chết và nằm rải rác quanh xác 3 con voi bị cưa sừng gần biên giới với Zimbabwe.
Theo các nhà bảo vệ động vật hoang dã, những kẻ săn trộm đã bỏ chất độc trên xác voi để tiêu diệt kền kền nhằm tránh bị phát hiện vị trí đã săn trộm vì kền kền thường tập trung với số lượng lớn gây náo loạn tại những địa điểm có xác động vật, do đó dễ gây sự chú ý của lực lượng kiểm lâm.
Theo tổ chức bảo vệ kền kền châu Phi VulPro, đây là vụ đầu độc kền kền lớn thứ 2 tại châu Phi, sau vụ 600 con kền kền chết do ăn xác một con voi tại Namibia hồi năm 2013.
Trong báo cáo của VulPro công bố năm 2016, trong giai đoạn từ năm 2012-2016, những kẻ săn trộm voi đã thực hiện 11 vụ đầu độc kền kền tại châu Phi và làm chết trên 2.000 cá thể chim khổng lồ này. Theo VulPro, số kền kền châu Phi đang bị suy giảm nghiêm trọng trong những năm qua và thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng.
Liên quan đến nạn săn trộm voi, trong một báo cáo công bố hôm 13/6, tổ chức bảo tồn loài voi Elephants Without Borders (EWB) cảnh báo nạn săn trộm voi tại nhiều vùng ở Botswana đang gia tăng và ước tính có gần 400 con voi đã bị giết tại quốc gia châu Phi này trong giai đoạn 2017-2018.
Báo cáo ghi nhận kể từ năm 2014 tới nay, số lượng xác voi được tìm thấy ở miền Bắc Botswana tăng 593% và tập trung chủ yếu tại 5 điểm nóng về nạn săn trộm ở khu vực này. Chỉ tính trong giai đoạn từ năm 2017-2018, số lượng voi bị giết để lấy ngà đã lên tới 385 con, trong đó đã xác nhận được 156 con là bị săn trộm năm 2018. Báo cáo nêu rõ các số liệu này là bằng chứng cho thấy nạn săn voi để lấy ngà ở mức hàng trăm con một năm đã xảy ra ở khu vực phía Bắc Botswana từ năm 2017, thậm chí sớm hơn.
Với đàn voi khoảng 130.000 con, Botswana là quốc gia có quần thể voi lớn nhất ở châu Phi và được mệnh danh là "thánh địa voi cuối cùng" ở châu Phi, trong bối cảnh nạn săn voi lấy ngà đang hoành hành tại "lục địa đen". Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, số lượng voi rừng tại châu Phi đã giảm xuống còn khoảng 415.000 con so với trên 1 triệu con năm 1979.