"Hồn nhiên" xẻ thịt
Vào đầu tháng 5, nhóm ngư dân ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) tập trung xẻ thịt một con cá biển rất lớn. Sau khi xẻ cá ra từng tảng lớn, người dân chia thành nhiều phần nhỏ để’ bán. Khi dư luận xôn xao về sự việc trên, cơ quan chức năng vào cuộc và kết luận đây là loài cá nhám voi (Rhincodon typus Smith, 1828), thuộc nhóm I, nằm trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm. Cá chỉ được khai thác vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu tạo nguồn giống ban đầu. Vì thế, việc ngư dân khai thác, xẻ thịt cá nhám voi là trái pháp luật.
Cơ quan chức năng xác định, chủ tàu đánh bắt và vận chuyển con cá nói trên là ông Trịnh Tứ Thiệu (ở phường Quảng Tiến, Sầm Sơn). Ông Thiệu tường trình, đang đánh cá trên biển thì con vật mắc lưới nhưng đã chết nên được đưa vào bờ. Ban đầu ngư dân này định đem chôn, nhưng sau đó thuê người xẻ thịt bán vì thấy lãng phí. Chủ tàu cũng không biết đây là loài cá quý hiếm.
Trước đó cũng đã có một số sự việc tương tự. Không ít người dân thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức đã giết hại động vật hoang dã rồi đăng lên mạng xã hội. Cách đây không lâu, dư luận rất phẫn nộ trước việc chủ nhân một tài khoản Facebook ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã đăng tải hình ảnh và phát trực tiếp đoạn video ghi lại cảnh một nhóm người giết hại dã man một cá thể động vật nghi là khỉ.
Những người này đã dùng rựa sắc bổ mạnh vào đầu con vật đang sống để lấy óc ăn sống, lấy máu hòa vào rượu và uống tại chỗ. Ngay sau đó, cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh và làm rõ đây là loài linh trưởng nằm trong danh mục quý hiếm. Nhóm người này đã bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức
Hiện nay, hệ thống quy định pháp luật để bảo vệ động vật hoang dã khá đầy đủ, chặt chẽ. Trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018, các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã bị phạt khá nặng. Mức phạt tù có thể lên đến 15 năm hoặc phạt tiền 5 tỷ đồng với cá nhân; phạt tiền đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.
Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi, vì sao vẫn xảy ra những vụ việc người dân "hồn nhiên" giết hại động vật hoang dã? Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã vẫn chưa đến được người dân, trong khi ý thức bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã trong một số người dân chưa cao.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết, trong thực tế làm chuyên sâu về giết hại, buôn bán động vật hoang dã, trung tâm đã gặp rất nhiều câu chuyện khi người dân do thiếu hiểu biết mà vi phạm pháp luật và đã phải chịu sự xử lý của pháp luật.
"Cách đây không lâu, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Nam Định phát hiện và thu giữ 10 con rái cá đang bị một đối tượng vận chuyển trái phép. Rái cá vuốt bé đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, là loài động vật cực kỳ quý hiếm, cần được ưu tiên bảo vệ. Điều đáng nói, đối tượng vận chuyển này là người lái taxi được người khác thuê chở và đã bị xử phạt 11 năm tù. Điều này cho thấy hiểu biết của người dân về động vật hoang dã còn rất hạn chế", bà Nguyễn Thị Phương Dung cho biết.
Cũng theo đại diện của ENV, pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã hiện nay đã đủ sức răn đe, tuy nhiên quan trọng nhất là việc thực thi pháp luật. Cơ quan chức năng phải vào cuộc, giám sát và
ngăn chặn ngay những hành vi phạm tội. Cùng với đó, các nhà quản lý cũng như các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã cần tuyên truyền kiến thức pháp luật rộng rãi đến người dân. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần chủ động tìm hiểu những quy định pháp luật để tránh rơi vào vòng lao lý vì thiếu hiểu biết.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 379/BTNMT-TCMT đề nghị các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh kiểm soát việc buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành địa phương chỉ đạo cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan nghiêm chỉnh chấp hành và phổ biến các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Bộ yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các sản phẩm của chúng; không thực hiện phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại. Bộ cũng đề nghị các cơ quan thực thi pháp luật như kiểm lâm, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, công an tăng cường phối hợp liên ngành, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với các nhà hàng, cơ sở kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp; hoạt động phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.