Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin đối với cô bé Hanhan 8 tuổi ở tỉnh Sơn Đông, nghỉ hè không phải quãng thời gian dành cho nghỉ ngơi và chơi đùa mà để đi đến một loạt lớp học khác. Múa, đàn piano và tiếng Anh là những môn nằm trong số 11 lớp học mà mẹ Hanhan chọn cho con trong mùa hè này, từ đầu tháng 7 đến hết tháng 8.
“Những lớp học này có thể giúp Hanhan tiến bộ, cả đạo đức lẫn kiến thức, và chúng sẽ biến kỳ nghỉ hè của con bé trở nên ý nghĩa”, người mẹ từ chối nêu tên cho biết. Tuy nhiên, Hanhan không hề đánh giá cao các lớp học mẹ chọn cho mình. Cô bé cho rằng chúng thật mệt mỏi.
Trả lời trang mạng dzwww.com, cô bé 8 tuổi nói: “Con phải đi học 1 đến 2 lớp mỗi ngày. Con không có thời gian nghỉ ngơi. Con không muốn nghỉ hè vì nó còn mệt mỏi hơn cả đến trường”. Hanhan là một trong số hàng ngàn trẻ em Trung Quốc phải tham gia vào vô số khóa học hè, bất kể các em thích chúng hay không.
Tại Thâm Quyến, một trong bốn thành phố lớn nhất của Trung Quốc bên cạnh Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, một khảo sát của cơ quan truyền thông nhà nước cho thấy gần 90% trẻ em tiểu học và trung học đã đăng ký ít nhất một khóa học hè. Và gần 1/3 số này đang học trên 3 khóa.
Hãng thông tấn Xinhua đưa tin mặc dù các môn nghệ thuật và thể thao khá phổ biến nhưng những lớp học phụ đạo kiến thức như tiếng Trung, Toán, tiếng Anh và Vật lý cũng nằm trong nhóm lựa chọn chính.
Một số học sinh nhìn nhận các lớp học phụ đạo này là cách để tiến bộ hơn các bạn. Zhang Hang, cậu học trò sẽ lên trung học vào tháng tới, cho biết cậu rất vui khi đi học hè để chuẩn bị cho năm học mới. “Em đã có thời gian vui chơi suốt tháng 7. Giờ em muốn học cái mới nên em chọn Toán và Vật lý. Em rất vui vì bố mẹ ủng hộ quyết định của mình", Hang chia sẻ với Xinhua.
Nhưng với học sinh lớp 3 Yuan Yuan, học hè không phải ý nguyện của cậu. Yuan cho biết cậu bé bị ép phải học tiếng Trung và Toán, những môn học em không hề thích thú. “Nếu được chọn, em sẽ học viết mã code và xếp Lego”, Yuan nói.
Các nhà quan sát giáo dục cho biết thị trường gia sư ngoại khóa đang bùng nổ ở Trung Quốc phản ánh sự lo lắng của các bậc phụ huynh dưới áp lực khổng lồ của hệ thống giáo dục, trong khi nghiên cứu cho thấy nó cũng có nguy cơ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Ông Wu Xifu, Hiệu trưởng trường Nghệ thuật và Thực nghiệm Khoa học Nanshan ở Thâm Quyến, cho biết tỷ lệ đỗ kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia thấp, hay còn gọi là gaokao, chính là nguyên nhân khiến các lớp học hè bùng nổ.
“Nền giáo dục mang tính bắt buộc ở Trung Quốc không thể cung cấp cho học sinh một trải nghiệm học tập đa dạng hay phù hợp. Một số học sinh không thể theo được chương trình giảng dạy trong khi các em khác lại cảm thấy giờ học ở trường là chưa đủ kiến thức. Đó là nguyên nhân tại sao các lớp học ngoại khá rất được ưa chuộng hiện nay”, ông Wu nhận xét.
Theo số liệu chính thức, 9,4 triệu thí sinh tham gia kỳ gaokao năm 2017 song chỉ có 7 triệu người trong số họ được nhận vào các trường cao đẳng và đại học. Tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh vào được một trong những trường đại học hàng đầu quốc gia chỉ khoảng 9,48% - 30,5% tùy theo địa phương. Tỷ lệ này được ghi nhận thấp nhất tại Hà Nam và Sơn Tây, chưa đầy 10%.
Ông Yang Jian, giáo viên Trường tiểu học thực nghiệm Thâm Quyến, đã yêu cầu phụ huynh tạo niềm vui và sự tự tin cho con cái của mình thay vì chỉ chú trọng vào điểm số. “Những vị phụ huynh thông thái cần phải kiên nhẫn và có tầm nhìn xa hơn về sự phát triển của con em. Thực chất, cảm giác hạnh phúc còn quan trọng hơn sự xuất sắc về mặt học thuật”, thầy giáo Yang nhấn mạnh.