Hãng thông tấn AFP (Pháp) đưa tin dịch vụ này đi kèm cái giá cao ngất ngưởng, thường vào khoảng hàng chục ngàn USD. Thế nhưng không nghi ngờ gì, ngành công nghiệp này đang nở rộ ở Trung Quốc.
Trong danh sách những gia đình “mua ghế” cho con bị lộ tẩy trong vụ bê bối gian lận tuyển sinh đại học động nước Mỹ đầu năm nay, các công tố viên phát hiện một gia đình Trung Quốc đã đưa 6,5 triệu USD cho một nhân viên tuyển sinh để cho con gái của họ vào trường Stanford danh tiếng. Cũng trong đường dây này, một gia đình khác đã hối lộ 1,2 triệu USD để mua suất học tại Đại học Yale.
Vụ án chạy trường chấn động này đã chứng kiến hàng chục phụ huynh – trong đó có cả những diễn viên nổi tiếng Hollywood và giám đốc uy tín ở Mỹ - nhận tội hối lộ hòng giữ chỗ cho con cái trong những trường đại học danh giá. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục ở Trung Quốc cho rằng việc các bên tư vấn du học khuyên phụ huynh đi “lối tắt” nếu muốn du học là hoàn toàn không hiếm gặp.
“Trong thế giới tuyển sinh, nó được gọi là tặng quà thay vì hối lộ. Gần 10.000 USD là mức thấp nhất. Một món quà trung bình sẽ gần 250.000 USD”, một cựu tư vấn viên tuyển sinh đại học tiết lộ trong điều kiện giấu tên.
6 người khác – đã và đang làm việc tại các văn phòng tuyển sinh – cho biết họ từng gợi ý phụ huynh “tìm đường tắt” thay vì quá trình đăng ký bình thường. “Tôi đã làm nhiều thứ chẳng đáng tự hào gì, trong đó có việc hướng dẫn các ông bố, bà mẹ tô vẽ bảng điểm của con hoặc làm giả chứng nhận năng khiếu thể thao, vốn là một yếu tố ưu tiên tuyển chọn tại các trường đại học và cao đẳng Mỹ. Tôi nhận các bài luận lủng củng, sau đó đưa cho những người chuyên nghiệp sửa lại phần lớn”, một tư vấn viên thú nhận.
Bố mẹ Fu Rao đã chi 35.400 USD cho người tư vấn tuyển sinh của em. Gói dịch vụ trọn gói này bao gồm việc hướng dẫn cách để trao đổi với các giáo sư, những khóa học cần thiết để đảm bảo bảng điểm trung học của Fu đầy ắp điểm A và cách tán gẫu về bóng đá Mỹ.
Đó là quá trình chuẩn bị kéo dài khoảng 18 tháng, trong thời gian này Fu Rao cũng phải làm bài kiểm tra SAT tiêu chuẩn đầu vào đại học của Mỹ đến 4 lần. Vì thế, cô học trò chắc chắn sẽ đạt được điểm mong muốn.
Một người viết luận văn chuyên nghiệp sẽ chỉnh sửa lại bài luận xin nhập học của Fu. Theo lời khuyên của tư vấn viên, Fu đã đến Campuchia để làm tình nguyện tại một trại trẻ mồ côi. “Rất nhiều sinh viên làm tình nguyện tại các trường học ở nông thôn Trung Quốc nên tôi phải làm điều gì dó khác biệt để biến lá đơn xin học của tôi nổi bật hơn đám đông”, nữ sinh 16 tuổi này giải thích.
Khoảng 10 phụ huynh từng nói trong cuộc phỏng vấn rằng họ sẵn sàng chi nhiều tiền cho dịch vụ tuyển sinh, bởi vì họ cảm thấy rất rủi ro khi “tay không bắt giặc” đưa con ra nước ngoài để học lên cao hơn.
Học sinh Trung Quốc muốn đi du học phải chấp nhận rủi ro khi bỏ bài kiểm tra “gaokao” – kỳ thi đầu vào đại học nổi tiếng khắc nghiệt ở nước này – vốn là con đường duy nhất để vào đại học ở Trung Quốc. Việc này cho các em thêm thời gian để chuẩn bị cho một dạng kiểm tra tiêu chuẩn hoàn toàn khác.
“Nhưng nếu người học sinh không giành được một suất học ở nước ngoài, sẽ rất khó để tiếp tục học trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc. Nên đây là con đường không có đường lui”, bà Huang Yinfei, mẹ của Fu chia sẻ.
Ông Abdiel Leroy, tác giả cuốn sách “Duelling the Dragon” (tạm dịch: Đấu rồng) về ngành truyền thông và giáo dục ở Trung Quốc cho biết ông đã “chứng kiến những mức độ tham nhũng giật mình” khi làm việc với một công ty lo lót cho sinh viên Trung Quốc đi du học Anh. “Văn hóa của hệ thống giáo dục Trung Quốc là tìm đường tắt và tiền giải quyết mọi vấn đề”, ông Leroy nói thêm.
Theo báo cáo hồi tháng 2 của Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc, ngành dịch vụ tuyển sinh đại học nước ngoài ở Trung Quốc được dự kiến tăng trưởng đến 35 tỷ USD vào năm 2021 từ mức 28 tỷ USD năm 2017. Khi thu nhập tăng lên, thậm chí các gia đình ở những thành phố nhỏ cũng mong muốn con mình được hưởng nền giáo dục tầm cỡ thế giới thay vì học như vẹt ở trong nước.
Trung Quốc hiện chiếm gần 1/3 lượng sinh viên ngoại quốc trong các ký túc xá ở Mỹ, song tháng 3 vừa qua, lực lượng này đã giảm sút lần đầu tiên trong một thập kỷ.
Chậm cấp thị thực, lo ngại bị tách biệt khỏi các dự án nghiên cứu cũng như lo lắng về an toàn cá nhân đã làm giảm số lượng sinh viên Trung Quốc đến Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia gia tăng.
Trung Quốc cũng là quê hương lớn nhất của các sinh viên ngoại quốc tại Anh. Năm ngoái, lượng đơn xin học đã tăng 30%. “Tuy nhiên, một tấm chứng chỉ của nước ngoài không còn tự động đồng nghĩa với việc có công việc tốt hơn tại Trung Quốc nữa”, ông Gu Huini, nhà sáng lập công ty tư vấn du học Zoom In cho biết.
“Vì vậy, các vị phụ huynh khao khát muốn cho con mình vào được những trường đại học tên tuổi cũng như tin rằng chuẩn bị cho việc du học từ khi còn nhỏ chính là cách dễ nhất để thắng cuộc”, ông Gu nói.
Ở độ tuổi 15, Shirley Yu là một trong những học sinh đã sẵn sàng chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Cô bé cho biết đã phát hiện tình yêu với ngành sản xuất phim từ năm họp lớp 8. “Mẹ tôi muốn tôi học kinh tế. Bà ấy không cho làm phim là một nghề nghiệp hứa hẹn. Vì thế, tôi quay một bộ phim ngắn về một bé gái muốn trở thành vũ công và đề nghị mẹ đóng vai người phụ huynh phản đối cô gái. Cuối cùng, mẹ tôi đã thay đổi suy nghĩ”, Yu chia sẻ.
Được mẹ tạo điều kiện, Yu đã tìm đến một trung tâm tuyển sinh để chuẩn bị sớm cho ngưỡng cửa đại học. Cô bé đã học thêm các lớp về dựng hoạt hình và hiệu ứng hình ảnh trong thời gian nghỉ hè theo gợi ý của tư vấn viên.