Đường dây chạy trường ở Mỹ bị phanh phui, 50 người bị buộc tội trong đó có 33 phụ huynh đã phải hầu tòa. Trong khi ở nước ta, cuộc điều tra nhằm vào bê bối chạy điểm thi tại các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La lại chủ yếu hướng vào hệ thống giáo dục mà “bỏ quên” phụ huynh - người liên quan đầu tiên và trực tiếp đến chuyện gian lận thi cử.
Ngày 12/3 vừa qua, tòa án Mỹ đã mở phiên toà đầu tiên công bố cáo buộc đối với 50 nghi phạm trong đường dây “chạy” vào các trường đại học danh tiếng. 33 phụ huynh là những CEO, thương gia, nhà thiết kế thời trang, diễn viên nổi tiếng Hollywood, đã bị buộc tội và đối mặt với khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù. Cho đến nay 13 phụ huynh trong đó có nữ diễn viên nổi tiếng Felicity Huffman đã nhận tội.
“Tôi thành khẩn thừa nhận tội lỗi của mình, cùng với sự hối hận và hổ thẹn sâu sắc vì những gì mình đã làm… Tôi muốn xin lỗi tất cả, đặc biệt tôi muốn xin lỗi những sinh viên học hành chăm chỉ mỗi ngày để đậu vào đại học, xin lỗi cha mẹ họ vì đã hy sinh to lớn cho con cái và làm điều đó một cách trung thực... Mong muốn giúp con gái không thể biện minh cho hành động vi phạm luật pháp và không trung thực của tôi", nữ diễn viên Huffman giãi bày trong lời nhận tội.
Ở Mỹ, việc “chạy” trường chủ yếu là giả mạo giấy tờ, thành tích do kẻ chủ mưu Rick Singer, CEO một công ty chuyên tư vấn tuyển sinh đại học có trụ sở ở California, thực hiện. Sau khi nhận được tiền từ các gia đình giàu có, Singer đã sắp xếp để người chấm thi của các trường can thiệp vào bài làm của thí sinh, nhắc bài hoặc sửa đáp án, làm đẹp bảng thành tích thể thao bằng cách hối lộ các huấn luyện viên… Trong khi đó, các vụ án “chạy” điểm tại Việt Nam, hầu hết người tham gia sửa điểm bài thi là các thầy cô, ban giám hiệu hoặc cán bộ các Sở Giáo dục – Đào tạo.
Khác nhau về phương thức, nhưng cả hai bê bối chạy trường ở “Tây” và “ta” đều xác nhận một mối lo ngại chung, đó là những người được “chạy” vào các trường đại học đã đánh cắp cơ hội từ những thí sinh học tập bằng thực lực, và từ đó “đánh cắp” luôn niềm tin của người dân nói chung vào hệ thống giáo dục.
Sau khi bê bối bị đưa ra ánh sáng, các nhà chức trách Mỹ đã nhanh chóng mở rộng điều tra, tiến hành truy tố cả người trung gian “chạy” trường, các cá nhân, tổ chức tiếp tay, và cả những phụ huynh bỏ tiền để mua suất cho con em vào những trường đại học danh tiếng.
Ở nước ta, sau khi bê bối gian lận điểm thi gây rúng động dư luận từ mùa hè năm 2018, các nhà chức trách cũng đã vào cuộc, khởi tố điều tra nhiều giáo viên, cán bộ sở Giáo dục Đào tạo. Nhưng đó chỉ là một phía của những “thoả thuận” chạy điểm. Gian lận điểm thi sẽ không thể xảy ra nếu như không xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, những người muốn con dễ dàng bước qua cánh cửa các trường đại học bằng các “mua điểm”, “chạy điểm” chứ không phải bằng thực lực học hành.
Vụ bê bối chạy điểm, và “chạy” ở mức độ choáng váng như “hô biến” thí sinh với điểm bài thi thực sự chỉ 0 điểm thành 9,5 điểm, thí sinh từ rớt đại học với tổng điểm 1 cho cả 3 môn trở thành thủ khoa với 27,45 điểm, rồi hàng loạt “thủ khoa rởm” được nâng hàng chục điểm thi, đã khiến dư luận chỉ còn biết “kêu trời”.
Mới đây sau khi hình ảnh được cho là bản danh sách phụ huynh chạy điểm cho con ở Sơn La, Hoà Bình được tiết lộ, dư luận càng thêm phẫn nộ khi đó đều là những cán bộ, lãnh đạo cục, sở, các giáo viên, hiệu trường các trường học, thậm chí cả các giám đốc sở, phó chủ tịch huyện, phó chủ tịch thành phố và tỉnh…
Nhưng cho đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm của bất cứ phụ huynh nào trong bê bối gian lận điểm thi. Những “thủ khoa rởm” hoặc thí sinh vào trường đại học bằng điểm số được “phù phép” đã bị trả về đúng vị trí của mình, trong nỗi hổ thẹn. Những người thực hiện hành vi nâng điểm đã bị khởi tố, truy tố và sẽ sớm đối mặt với những hình phạt thích đáng. Nhưng những bậc phụ huynh, hoặc bằng tiền hoặc bằng quyền lực, “quan hệ” đã thao túng cả quy trình chấm điểm thi nghiêm ngặt để “mở đường tắt” cho con em họ vào trường đại học, và biết đâu còn là những “đường tắt” khác trong tương lai, thì vẫn đang vô sự.
Có hay không việc lợi dụng chức vụ quyền hạn mưu cầu lợi ích cho người thân, có hay không những cấp dưới đã “thu xếp” điểm như một hình thức “hối lộ” để lấy lòng cấp trên, hay những người dùng tiền để “ngã giá” mua điểm… Đó là những câu hỏi mà dư luận đang nóng lòng muốn có câu trả lời và những biện pháp xử lý thích đáng, có sức răn đe mạnh mẽ.
Giáo dục là rường cột quốc gia, là tương lai dân tộc. Những học sinh theo “con đường tắt”, ngạo nghễ bước vào trường đại học, trong đó có những trường thuộc các ngành đặc biệt như y, sư phạm, quân đội, công an, có trở thành những thầy thuốc, giáo viên, những cán bộ trung thực và hết mình cống hiến cho xã hội trong tương lai hay không? Đó là câu hỏi dường như đã có đáp án.
Việc thay đổi điểm số, “phù phép” kết quả thi, đổi trắng thay đen không chỉ liên quan đến số phận của các em học sinh mà còn gây rúng động lòng tin của nhân dân, và như là một sự “đùa cợt” với tính nghiêm minh của pháp luật.
Chính vì thế, dư luận đòi hỏi các cơ quan chức năng cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong việc đưa ra ánh sáng những người liên quan đến gian lận thi cử từ cả hai phía “cung” - “cầu” và xử lý không có vùng cấm, để bảo vệ sự công bằng trong xã hội, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và ngăn ngừa những gian lận tương tự trong tương lai, không chỉ ở ngành giáo dục.