Ngày 13/7, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết nước này sẽ thông báo với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) về những bước đi đang được thực hiện liên quan tới viện bảo tàng Hagia Sophia tại thành phố Istanbul, sau khi Ankara thông báo đã biến viện bảo tàng này thành một thành một thánh đường Hồi giáo.
Trước đó, ngày 10/7, tòa án hành chính cấp cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận yêu cầu của nhiều hiệp hội, theo đó hủy bỏ quyết định của chính phủ năm 1934 cấp cho Hagia Sophia quy chế của một viện bảo tàng. Ngay sau phán quyết nói trên, Tổng thống Tayyip Erdogan tuyên bố kiến trúc này hiện là một thánh đường Hồi giáo và theo đó sẽ mở cửa cho tín đồ Hồi giáo vào cầu nguyện.
Được xây dựng trong thế kỷ thứ 6, Hagia Sophia là một trong những công trình lớn, tiêu biểu cho kiến trúc Byznatine và là nơi thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới tới Thổ Nhĩ Kỳ. Riêng trong năm 2019, đã có 3,8 triệu lượt người đến chiêm ngưỡng công trình kiến trúc này vào năm 2019.
Hagia Sophia ban đầu được xây dựng là một nhà thờ của Đế quốc La mã phương Đông Cơ Đốc giáo và đã tồn tại trong 9 thế kỷ. Sau khi Constantinople (tên cũ của Istanbul) bị Đế quốc Ottoman xâm chiếm vào năm 1453, Hagia Sophia được người Thổ Nhĩ Kỳ chuyển đổi thành một thánh đường Hồi giáo. Tới năm 1934, nơi đây lại trở thành một viện bảo tàng do lãnh đạo của nhà nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ non trẻ thời đó Mustafa Kemal có ý muốn tặng công trình kiến trúc này cho nhân loại.
Cho dù du khách vẫn tiếp tục được vào tham quan Hagia Sophia, việc công trình kiến trúc quan trọng của lịch sử Thiên Chúa giáo biến thành thánh đường Hồi giáo vẫn gây ra những căng thẳng về tôn giáo.
Theo giới chuyên gia, quyết định chuyển đổi Hagia Sophia thành thánh đường Hồi giáo sẽ cho phép Tổng thống Erdogan thu hút thêm sự ủng hộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc và đạo Hồi tại nước này, cũng như gián tiếp gây chia rẽ phe đối lập. Tuy nhiên, động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Ankara với phương Tây.
Ngay sau quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, UNESCO cho biết sẽ xem xét lại danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới của công trình kỷ niệm này. Tổng giám đốc UNESCO - bà Audrey Azoulay phê phán "Thổ Nhĩ Kỳ không tiến hành đối thoại mà đã thay đổi hiện trạng của Hagia Sophia".
Bộ trưởng Văn hóa Hy Lạp Lina Mendoni đã kịch liệt phản đối, cho rằng quyết định của Ankara là một "động thái gây hấn với toàn bộ thế giới văn minh". Trong khi đó, Đức Giáo hoàng Francis cho biết ông cảm thấy "rất buồn" về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ thất vọng trước quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ về việc chuyển công trình biểu tượng Hagia Sophia thành Thánh đường Hồi giáo, cũng như kêu gọi quyền tiếp cận công bằng cho tất cả du khách trên thế giới.
Người phát ngôn Morgan Ortagus của Bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Chúng tôi thất vọng trước quyết định của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về việc thay đổi hiện trạng của công trình Hagia Sophia. Chúng tôi biết được rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cam kết duy trì quyền tiếp cận Hagia Sophia cho tất cả các du khách, cũng như hy vọng có thể biết được kế hoạch tiếp theo cho Hagia Sophia để bảo đảm quyền tiếp cận công bằng cho tất cả mọi người".
Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan ngại trước quyết định của Ankara về việc cho phép các tín đồ Hồi giáo tới hành lễ tại Hagia Sophia.
Ở chiều hướng ngược lại, trong ngày 13/7, Nga cho rằng quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ chuyển viện bảo tảng Hagia Sophia thành một thánh đường Hồi giáo là việc riêng của nước này.
Phát biểu với báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin nêu rõ: "Chúng tôi xuất phát từ thực tế đây là một vấn đề nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ mà cả chúng tôi hay ai khác đều không nên can thiệp". Tuy nhiên, quan chức này cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Hagia Sophia với "văn hóa và nền văn minh thế giới".