Tránh Biển Đỏ, các công ty thử nghiệm vận chuyển hàng hóa qua UAE, Saudi Arabia

Trucknet (công ty khởi nghiệp phần mềm của Israel) và Hapag-Lloyd AG (một trong những hãng vận tải biển lớn nhất thế giới) là hai trong số các công ty lần đầu tiên mở các tuyến thương mại chạy qua trung tâm Trung Đông để tránh Biển Đỏ vốn đang bị Houthi cản trở.

Chú thích ảnh
Cảng Khalifa Bin Salman ở Hidd, Bahrain. Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg ngày 2/2, Giám đốc điều hành Hanan Fridman cho biết công ty Trucknet đang gửi hàng hóa như thực phẩm, nhựa, hóa chất và đồ điện từ các cảng ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain, qua Saudi Arabia và Jordan, tới Israel và xa hơn tới châu Âu. Hapag-Lloyd AG, hãng vận tải container lớn thứ 5 thế giới, đang tìm cách kết nối cảng Jebel Ali ở Dubai (UAE) và hai cảng phía Đông của Saudi Arabia với Jeddah trên bờ biển phía Tây. Một lựa chọn khác của hãng này kết nối cảng Jebel Ali với Jordan.

Các tuyến đường này là giải pháp tạm thời để vận chuyển hàng tới đích mà không phải đi qua khu vực do Houthi kiểm soát quanh eo biển Bab el-Mandeb ở phía Nam Biển Đỏ. Tại đây, Houthi đã gây ra các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái trong nhiều tháng qua, buộc nhiều tàu thương mại phải chuyển hướng sang tuyến đường dài hơn vòng qua châu Phi.

Tình trạng này làm gián đoạn các dòng chảy thương mại quan trọng, làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa và tác động đang bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.

Các công ty buộc phải tìm kiếm những giải pháp thay thế đầy tham vọng. Tuyến đường của Trucknet trước đây chưa được thử nghiệm ở quy mô thương mại do mối quan hệ căng thẳng giữa Israel và các quốc gia Arab. Trong khi Hiệp định Abraham giữa UAE, Bahrain và Israel ba năm trước đã làm dịu mối quan hệ giữa các bên, thì nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel đã bị đình trệ do cuộc chiến ở Gaza.

Ông Fridman cho biết hàng hóa từ Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc đã được vận chuyển bằng xe tải trong những tuần gần đây. Hàng hóa đến châu Á cũng đang đi theo hướng ngược lại, giúp giảm chi phí tổng thể.

Tuy nhiên, tính khả thi lâu dài của tuyến đường mới sẽ phụ thuộc vào ổn định trong khu vực. Khối lượng hàng mà xe tải có thể chở cũng nhỏ hơn đáng kể so với khối lượng được vận chuyển bằng tàu biển. Tuy nhiên, tuyến đường bộ vẫn là giải pháp thay thế để vận chuyển một số hàng hóa.

Phát ngôn viên của công ty Hapag-Lloyd, ông Nils Haupt, thừa nhận rằng các tuyến đường mới là giải pháp ngắn hạn cho các chủ hàng chỉ vận chuyển một lượng hàng hóa hạn chế, chứ không phải là hàng nghìn container. Ông nói rằng vận chuyển bằng đường bộ không nhanh cũng không dễ dàng, nhưng có thể giúp thúc đẩy dòng chảy thương mại qua các cảng trong khu vực như Jeddah, vốn bị cắt đứt khỏi các liên kết thông thường với nền kinh tế toàn cầu.

Theo nghiên cứu trong tuần này của S&P Global Market Intelligence, các chuyến xe từ cảng Jebel Ali đến cửa ngõ thương mại Haifa của Israel mất khoảng ba đến bốn ngày so với hành trình 10 ngày trở lên nếu đi qua Mũi Hảo Vọng của châu Phi. Thời gian rút ngắn hơn là một yếu tố hấp dẫn của cách thức vận chuyển này.

Ông Chris Rogers, trưởng nhóm nghiên cứu chuỗi cung ứng tại S&P Global, cho biết: “Đường bộ, mặc dù vận chuyển một lượng hàng hóa không đáng kể, sẽ vẫn là một giải pháp thích hợp cho các chuyến hàng đến Israel”.

Chú thích ảnh
Tuyến đường trên bộ từ vùng Vịnh đến Israel và Ai Cập. Ảnh: Trucknet

Theo trang web của Trucknet, công ty này đang vận chuyển hàng hóa theo tuyến đường trên cùng với các công ty như PureTrans FZCO của Dubai, Cox Logistics của Bahrain và WWCS ở Ai Cập. Các cuộc thử nghiệm từ vùng Vịnh đến Israel đã bắt đầu vào đầu năm nay. Khi Houthi bắt đầu đe dọa các tàu ở Biển Đỏ sau cuộc chiến của Israel với Hamas, Trucknet đã sẵn sàng đẩy mạnh kế hoạch của mình.

Ông Fridman nói: “Chúng tôi đã thực hiện một số đợt thí điểm vào tháng 11/2023. Những chuyến hàng đầu tiên đã được vận chuyển vào tháng 12/2023…Chúng tôi chỉ cần kết nối hàng hóa đi châu Âu và hàng hóa đi châu Á”.

Các tuyến đường mới nói trên cũng có thể đóng vai trò là tuyến chạy thử cho Hành lang Kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu lớn hơn nhiều. Đây là dự án do Mỹ hậu thuẫn, được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Ấn Độ năm 2023 và đã bị đình trệ kể từ cuộc chiến Israel - Hamas.

Hiện có rất nhiều trở ngại. Chính phủ Mỹ và các nước khác từ lâu đã cố gắng thúc đẩy liên kết thương mại và kinh tế trên khắp Trung Đông để giảm bớt tình trạng thù địch. Cuộc chiến ở Gaza và hậu quả đã khiến những rào cản ngoại giao đối với việc hợp tác thương mại như vậy trở nên khó vượt qua hơn.

Các nhà phân tích của S&P Global viết trong nghiên cứu: “Các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh có thể do dự trong việc thúc đẩy tuyến đường này vì Houthi vẫn chưa đe dọa được các tài sản trên biển của UAE hoặc Saudi Arabia. Tuyến đường bộ đi qua Saudi Arabia và Jordan cũng sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào hàng hóa”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nga theo sát tác động của căng thẳng Biển Đỏ tới thị trường năng lượng
Nga theo sát tác động của căng thẳng Biển Đỏ tới thị trường năng lượng

Thứ trưởng phụ trách chính sách năng lượng của Nga, ông Alexander Novak, ngày 1/2 cho biết Nga đang theo dõi sát sao tác động từ tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ đối với thị trường năng lượng toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN