Nếu có nơi nào đó được gọi là thiên đường của virus SARS-CoV-2, rất có thể đó sẽ là trại chế biến thịt. Những có sở này thường duy trì nền nhiệt lạnh sâu, đến âm 12 độ C. Công nhân đứng sát nhau, làm việc vã mồ hôi do sức ép từ chủ lao động – đó là điều kiện lý tưởng để virus lây lan qua giọt bắn, sổ mũi hay tiếp xúc trực tiếp.
Các nhà nghiên cứu Canada và Anh làm việc trong một dự án do Tiến sĩ Quentin Durand-Moreau thuộc Đại học Alberta (Canada) đứng đầu đã khảo sát về điều kiện làm việc tại các nhà máy chế biến, đóng gói thị. Báo cáo của nhóm đi đến kết luận, “bề mặt kim loại” cùng “nhiệt độ thấp” là điều kiện giúp các chủng virus như SARS-CoV-2 tồn tại lâu hơn.
Họ cũng giải thích thêm rằng các cơ sở này đều có tiếng ồn rất lớn. Người lao động vì thế cần phải nói to để át tiếng ồn và đó cũng có thể là nhân tố lây lan virus chết người này. Nhân công làm việc tại đây đều cảm thấy bị áp lực, do vị thế công việc bấp bênh, nên luôn phải “gắng sức làm việc ngay cả khi có triệu chứng mắc COVID-19”.
Isabella Eckerle, Giám đốc Trung tâm các bệnh truyền nhiễm tại Geneva nhận định, các biện pháp đảm bảo vệ sinh hiện hành không phù hợp điều kiện làm việc tại các trại giết mổ, đóng gói. Theo chuyên gia virus học này, việc có quá nhiều người nhiễm virus tại cơ sở chế biến thịt Tonnies (Đức) cho thấy đây là vụ lây lan với tốc độ siêu nhanh, không kiểm soát được.
Bà Eckerle giải thích, trong điều kiện làm việc, sinh sống không bảo đảm, thường xuyên phải tiếp xúc gần, một trường hợp hoặc một nhóm nhỏ nhiễm bệnh cũng rất dễ lây lan sang nhiều người khác.
Virus SARS-CoV-2 sống tương đối khỏe, đặc biệt là ở trong điều kiện nhiệt độ thấp. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng virus này có thể tồn tại 72 giờ trên bề mặt đồ vật ở nhiệt độ từ 21-23 độ C. Nhiệt độ thấp hơn, virus sống càng dai. Đã có thí nghiệm cho thấy SARS-CoV-2 có thể “sống” được tới 28 ngày trong điều kiện nhiệt độ xuống mức 4 độ C.
Nền nhiệt lạnh cũng là yếu tố lý tưởng để virus lây lan. Chuyên gia y tế Tom Jefferson thuộc Đại học Oxford cho biết, mức độ lây lan của virus đạt cực đại trong giới hạn từ 0 độ C đến 10 độ C, với độ ẩm thấp, áp suất không khí cao và lặng gió. Nhiệt độ cao, bức xạ tia cực tím cao sẽ ngăn chặn đà lây lan của virus.
Đó có thể là tin tốt lành cho châu Âu, khi mùa hè đang đến và COVID-19 hiện có dấu hiệu suy giảm. Nhưng điều đó không có nhiều ý nghĩa với các cơ sở chế biến thịt, số luôn phải duy trì nền nhiệt lạnh. Tình hình còn tệ hơn khi mà không khí lạnh, mát tại đây được khuếch tán bằng điều hòa không khí, với các dòng khí lưu thông liên tục, làm virus lây lan.
Liệu người tiêu dùng có gặp nguy hiểm?
Những công nhân hợp đồng tại nhà máy chế biến thịt luôn trong tình trạng đối diện với nguy cơ lây nhiễm thường trực. Vậy nhưng người tiêu dùng, số mua và tiêu thụ thịt được giết mổ, đóng gói tại những cơ sở như vậy có gặp nguy hiểm?
Virus SARS-CoV-2 ổn định hơn trong điều kiện đóng đông so với khi ở nền nhiệt lạnh. Thực nghiệm với các chủng virus khác cho thấy, virus có thể tồn tại và lây nhiễm trong thời gian 2 năm nếu ở mức nhiệt âm 20 độ C. Tuy nhiên, ít có khả năng SARS-CoV-2 từ thịt đóng gói bày bán tại siêu thị lây nhiễm sang người tiêu dùng.
Viện Đánh giá Nguy cơ Liên bang Đức (BfR) cho rằng, thịt bẩn hoặc sản phẩm thịt bị nhiễm virus về mặt lý thuyết có khả năng xuất hiện trong quá trình giết mổ, hoặc giai đoạn cắt, chế biến. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp nào mắc SARS-CoV-2 đến từ việc ăn sản phẩm thịt hoặc tiếp xúc với thịt bị lây nhiễm.
Theo ông Jefferson, hầu như không có khả năng người tiêu dùng bị nhiễm bệnh khi đi mua thịt tại siêu thị. Tuy nhiên, vẫn cần tuân thủ các quy định vệ sinh thông thường trong tiêu dùng sản phẩm này. “Rửa tay thường xuyên, không bao giờ được ăn thịt sống, luôn nấu chín, để thịt vào khay riêng, không lẫn với các thực phẩm khác”, chuyên gia này đưa ra lời khuyên.