Năm nay lẽ ra phải là một năm thắng lợi của ngành công nghiệp thịt tại Mỹ. Đến tận cuối tháng Hai, một nhà phân tích tại USDA còn dự đoán sản xuất thịt đỏ và thịt gia cầm sẽ lập kỷ lục mới khi tốc độ tăng trưởng cao và tỉ lệ thất nghiệp thấp thúc đẩy nhu cầu protein động vật.
Nhưng rồi dịch COVID-19 ập đến. Tới cuối tháng Tư, đại dịch đã thay đổi hoàn toàn cục diện kinh tế và nông nghiệp đến mức Tyson Food, một trong những nhà sản xuất thịt lớn nhất của Mỹ, đã cảnh báo trong một quảng cáo toàn trang trên tờ New York Times rằng “chuỗi cung ứng thực phẩm đang bị phá vỡ”.
Theo tạp chí Time, các trang trại của Mỹ vẫn chật kín các loại động vật được nuôi để cung cấp thịt. Vấn đề là dịch COVID-19 đã khiến cho việc biến những con vật đó thành những gói thịt lợn hoặc thịt bò ngày càng khó hơn. Vấn đề nằm ở chỗ thiếu lực lượng lao động, thiếu nhân viên. Tyson Foods và nhiều công ty chế biến thịt khác trên cả nước đã tạm dừng hoạt động tại một số nhà máy do nhiều công nhân nhiễm virus. Theo báo cáo hàng tuần của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vào ngày 27/4, sản lượng thịt bò đã giảm gần 25% so với năm trước, trong khi sản lượng thịt lợn giảm 15%.
Trước tình hình đó, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho các nhà máy chế biến thịt duy trì hoạt động, tuyên bố đây là cơ sở hạ tầng thiết yếu khi đất nước đang phải đối mặt với sự gián đoạn ngày càng tăng trong cung ứng thực phẩm do ảnh hưởng của đại dịch.
Hôm 28/4, nhà lãnh đạo Mỹ đã ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu các nhà máy chế biến thịt tiếp tục mở cửa. Tuy nhiên, nhiều người nói rằng sắc lệnh sẽ khó có thể loại bỏ mối đe dọa mà COVID-19 đặt ra cho các nhà chế biến thịt của Mỹ, và rộng hơn là chuỗi cung cấp thực phẩm. Trên thực tế, rất khó có thể ngăn công nhân nghỉ việc tại một nhà máy chế biến đã bị virus tấn công, nơi dịch rất dễ lây lan trong những khu vực làm việc chật hẹp. Một nhà máy đóng gói thịt ở bang Colorado đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng gấp hơn hai lần hôm 30/4 sau khi mở cửa lại.
Theo Liên đoàn lao động United Food and Trade Workers, ít nhất 20 nhân viên đóng gói thịt đã chết vì COVID-19 và hơn 5.000 người phải nhập viện hoặc đang có triệu chứng,
Các công ty chế biến thịt nói họ đang cố gắng giữ an toàn cho công nhân. Một người phát ngôn của Tyson Foods cho hay công ty tiến hành kiểm tra thân nhiệt công nhân, yêu cầu che khiên bảo vệ và vệ sinh khử trùng liên tục. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng người tiêu dùng Mỹ nên chuẩn bị tinh thần cho việc giá thịt đắt đỏ và khan hiếm hơn trong những tuần tới, thậm chí nhiều tháng tới.
Dưới đây là những câu hỏi mà người tiêu dùng Mỹ quan tâm trong tình cảnh “thừa gia súc, thiếu thịt”
Nước Mỹ có thiếu thịt không? Sự thiếu hụt sẽ kéo dài bao lâu?
Tình cảnh của nước Mỹ hiện nay không phải thiếu nguồn gia súc, mà vấn đề là thiếu nhân viên để biến nguồn cung ấy thành thịt cung cấp ra thị trường. Trong những tuần tới, các cửa hàng bách hóa có thể có ít chủng loại thịt hơn và tổng lượng cũng giảm xuống.
Trên tờ Time, Glynn Tonsor, Giáo sư về kinh tế nông nghiệp tại trường Đại học Kansas (Mỹ) cho rằng, tình hình có thể bắt đầu được cải thiện vào tháng 6 khi các nhà máy chế biến thịt tìm được cách vận hành trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
Tuy nhiên, ông David Anderson, Giáo sư và nhà kinh tế khuyến nông thuộc Khoa Kinh tế Nông nghiệp tại Đại học Texas A&M, cảnh báo rằng một số vấn đề với việc cung ứng thịt có thể kéo dài trong một năm hoặc hơn. Lý do là các cơ sở chế biến thịt phải vật lộn để duy trì các dây chuyền sản xuất khi công nhân mắc bệnh.
Thịt có đắt hơn?
Người Mỹ có thể phải chịu giá thịt cao hơn trong ít nhất là phần còn lại của năm nay. “Chúng ta có những nguồn cung cấp dồi dào, nguồn cung khổng lồ. Nút thắt cổ chai nằm ở khâu đóng gói và chế biến. Điều đó có nghĩa giá sẽ cao hơn với người tiêu dùng”, Giáo sư Glynn Tonsor nói.
Tuy nhiên theo ông, một số cửa hàng có thể sẽ không đẩy chi phí lên người tiêu dùng, để khuyến khích họ đến và chi tiêu cho các hàng hóa khác. Họ cũng có thể tăng giá dần theo giai đoạn để "giảm sốc" với người mua.
Mặc dù vậy, người tiêu dùng Mỹ có thể sẽ buộc phải tìm đến những nguồn protein rẻ hơn như các loại đậu và đậu phụ, trong bối cảnh hàng triệu lao động đang thất nghiệp.
Sắc lệnh của Tổng thống Trump có thể cải thiện tình hình?
Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump nhằm mục đích thúc đẩy các nhà máy chế biến thịt tiếp tục hoạt động, nhưng không có nghĩa là nhà máy sẽ mở cửa với đầy đủ công nhân và người quản lý. Nếu công nhân mắc bệnh hoặc lo ngại lây virus mà nghỉ làm thì việc nhà máy có mở cửa hay không cũng không giải quyết được vấn đề.
Hơn nữa, theo giáo sư Tonsor, “đây là những công việc lành nghề. Bạn không thể chỉ sau một đêm là thay thế được công nhân A bằng công nhân B”.
Sắc lệnh điều hành của Tổng thống Trump cho thấy thịt quan trọng về mặt kinh tế và chính trị ở Mỹ như thế nào. Giáo sư Tonsor nói rằng việc Tổng thống ra sắc lệnh nhằm tái khẳng định một hệ thống chăn nuôi và chế biến thịt hoạt động tốt ra sao ở Mỹ.
Thịt cũng có giá trị biểu tượng lớn với nhiều người Mỹ. Ông Joshua Specht, tác giả của cuốn “Red Meat Republic: A Hoof-to-Table History of How Beef Changed America” (Nền Cộng hoà Thịt đỏ: Lịch sử cách thịt bò thay đổi nước Mỹ), cũng là trợ lý Giáo sư lịch sử tại Đại học Notre Dame cho rằng sự khan hiếm hoặc vắng bóng các sản phẩm thịt sẽ gửi một tín hiệu khác về cuộc sống thời dịch COVID-19 tại Mỹ mà chúng ta đã biết.