Total hiện đang “rục rịch” rút khỏi dự án khai thác khí đốt trị giá nhiều tỷ USD sau khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Nguyên nhân dẫn tới động thái này là Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đợt hai từ tháng 11 tới nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ của Iran. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã cảnh báo rằng các công ty làm ăn với Iran sẽ không được làm ăn với Mỹ.
Total hiện nắm giữ 50,1% cổ phần trong dự án SP11 còn CNPC nắm 30%, trong khi hãng Petropars của Iran có 19,9% cổ phần trong dự án này. Năm 2017, Total đã ký hợp đồng đầu tư ban đầu trị giá 1 tỷ USD để phát triển mỏ South Pars giai đoạn 11, đánh dấu lần đầu tiên một công ty năng lượng phương Tây đầu tư vào Iran sau khi nước này được dỡ bỏ lệnh trừng phạt vào năm 2016. Mỏ South Pars có trữ lượng khí thiên nhiên tại chỗ lớn nhất thế giới. CNPC được cho là đang xem xét việc mua lại số cổ phần của Total trong dự án này.
Trước đó, hãng thông tấn IRNA của Iran dẫn tuyên bố của Giám đốc đầu tư của Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC) Mohammad Mostafavi cho hay CNPC đã mua lại cổ phần của Total trong dự án SP11. Tiếp đó, Phó Tổng Giám đốc NIOC, Gholamreza Manouchehri, cũng khẳng định CNPC sẽ mua lại cổ phần của Total nếu tập đoàn của Pháp rời khỏi dự án, và nếu cả CNPC và Total cùng rời đi thì Petropars sẽ tiếp quản toàn bộ dự án.
Tuy nhiên, một người phát ngôn của tập đoàn Total tiết lộ: “Thủ tục liên quan đến hợp đồng vẫn đang được xúc tiến và về phía chúng tôi, chúng tôi chưa nhận được thông tin về quan điểm chính thức của CNPC, nhưng như chúng tôi luôn khẳng định là CNPC có quyền mua lại cổ phần của chúng tôi nếu họ quyết định điều đó”. Trước đó, Total đã công bố kế hoạch rút khỏi thỏa thuận khí đốt với Iran trước ngày 4/11/2018 nếu không được bảo vệ trước nguy cơ bị Mỹ áp các biện pháp trừng phạt. Hiện Total chỉ mong CNPC sớm có câu trả lời rõ ràng về vấn đề này.
Theo các chuyên gia kinh tế, khả năng CNPC quyết định sẽ thâu tóm dự án này là khá cao. Về lý thuyết, Trung Quốc vừa có thể tăng cổ phần trong dự án vừa thắt chặt hợp tác chiến lược với Iran, lại vừa có được "quân bài" mới để xử lý quan hệ với Mỹ, trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối đầu với Washington trong “trận chiến” thương mại không khoan nhượng. Tuy nhiên, theo giới quan sát, Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng mọi bước đi của mình nếu không muốn đẩy những vấn đề căng thẳng với Mỹ tiếp tục leo thang vì điều này sẽ gây nhiều bất lợi cho chính họ trên “mặt trận” kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng không chỉ có Total buộc phải rời khỏi Iran mà sẽ còn nhiều tập đoàn lớn của phương Tây sẽ phải lần lượt ra đi. Nhiều doanh nghiệp châu Âu đã lường trước được những động thái tiếp theo từ Washington sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Hãng chế tạo ô tô Daimler AG của Đức tuyên bố rút khỏi quốc gia Trung Đông này. Airbus cũng đình chỉ việc chuyển giao nhiều đơn hàng cho Tehran. Công ty đường sắt Stadler (Thụy Sỹ) tuyên bố rằng kế hoạch chuyển giao 960 tòa tàu điện ngầm cho Iran đã “bị đóng băng”. Còn hãng xe Renault của Pháp xác nhận rằng “nhiều khả năng chương trình phát triển của hãng sẽ tạm ngừng” tại thị trường Iran.
Các chuyên gia cho rằng, về lâu dài, Tehran chỉ có thể dựa vào nguồn lực trong nước là chính và những đối tác, bạn hàng truyền thống có tiềm lực mạnh như Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ.