Tuyên bố của Văn phòng TTK LHQ viết: “TTK nhấn mạnh lập trường mang tính nguyên tắc của LHQ cho rằng chỉ có thể đạt được hòa bình bền vững thông qua đối thoại và thúc giục các bên giải quyết những vấn đề tồn tại theo hướng này thông qua các các cơ chế hiện có… LHQ sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực này, trong đó có việc cung cấp viện trợ nhân đạo và kiến tạo hòa bình trên thực địa”.
Ngày 26/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã có cuộc họp ba bên kéo dài gần 3 tiếng tại thành phố Sochi của Nga. Cuộc họp diễn ra trùng với lễ kỷ niệm ngày ký tuyên bố ngừng bắn 9/11/2020 ở khu vực Nagorny-Karabakh.
Thông cáo chung sau cuộc họp nêu: “Chúng tôi nhất trí thực hiện các bước để tăng cường mức độ ổn định và an ninh trên biên giới Azerbaijan-Armenia và hướng tới việc thành lập một ủy ban song phương về phân định biên giới giữa Azerbaijan-Armenia cũng như tiếp tục phân giới với sự hỗ trợ tham vấn của Nga theo yêu cầu của các bên”. Các bên cũng nhất trí lập cơ chế phân định biên giới giữa Armenia và Azerbaijan, cũng như khai thông các hành lang vận tải đường sắt và đường bộ.
Quan hệ Armenia và Azerbaijan tồn tại căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Nagorny-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Đỉnh điểm căng thẳng là cuộc xung đột kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.
Đến cuối tháng 9/2020, xung đột tái bùng phát tại khu vực trên và kéo dài 44 ngày, khiến ít nhất 6.500 người thiệt mạng. Ngày 9/11/2020, các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã ký tuyên bố ngừng bắn do Nga làm trung gian. Tuy nhiên, các vụ đụng độ lẻ tẻ vẫn diễn ra trong thời gian gần đây.