Bà Marsudi sẽ đảm nhận nhiệm vụ mới từ ngày 1/11 tới, sau khi hoàn thành nhiệm kỳ Ngoại trưởng trong chính quyền của Tổng thống Joko Widodo.
Trong một tuyên bố ngày 13/9, Tổng thư ký Antonio Guterres nêu rõ Đặc phái viên về Nước có nhiệm vụ tăng cường quan hệ đối tác và nỗ lực chung để thúc đẩy chương trình nghị sự về nước; trước mắt dựa trên những kết quả trong Hội nghị về Nước của LHQ năm 2023 để chuẩn bị cho nhiều hoạt động về nước trên toàn cầu, đặc biệt là Hội nghị về Nước của LHQ năm 2026; ủng hộ các nỗ lực đảm bảo tương lai an ninh nguồn nước bằng cách ủng hộ hợp tác chính trị, kinh tế và xã hội - văn hóa mạnh mẽ hơn ở mọi cấp độ.
Trên cương vị đặc phái viên, bà Marsudi sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế và sự phối hợp giữa các quy trình về nước quốc tế để hỗ trợ việc đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu liên quan đến nước, chẳng hạn như Mục tiêu Phát triển bền vững số 6 của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Bà cũng có nhiệm vụ vận động để đưa các vấn đề về nước trở thành chương trình nghị sự chính trị chính - cả trong và ngoài LHQ - cũng như đốc thúc hành động và huy động tài trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu và khuyến khích hoàn thành các mục tiêu liên quan đến nước.
Ngoại trưởng Marsudi nhấn mạnh rằng vai trò sắp tới của bà rất quan trọng vì hiện nay, 2,1 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận nguồn nước uống an toàn và 4,5 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ vệ sinh an toàn.
Tổng thư ký Antonio Guterres đã nhấn mạnh kinh nghiệm nổi bật của bà Marsudi trong lĩnh vực ngoại giao trong gần 40 năm qua, đặc biệt là nhiệm kỳ Ngoại trưởng Indonesia từ năm 2014 đến tháng 10/2024.
Sự cống hiến của bà đã được phản ánh trong vai trò lãnh đạo của Indonesia, bao gồm cả vai trò là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (2019-2020), Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2022, Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023 và nhiều thực thể và tổ chức quốc tế khác.