Phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga ngày 18/12, ông Putin một lần nữa cáo buộc Washington vi phạm Hiệp ước, đồng thời đưa ra đề xuất để các nước khác tham gia ký kết INF như một giải pháp để cứu vãn thỏa thuận này hoặc bắt đầu xúc tiến các cuộc thảo luận để hình thành một thỏa thuận mới.
Theo nhận định của nhà lãnh đạo Nga, hiện có một số khó khăn đối với INF và "có nhiều nước khác sở hữu các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung" song lại không là thành viên của Hiệp ước.
Ông Putin một lần nữa nhấn mạnh Moskva sẽ có biện pháp đáp trả nếu Washington kiên quyết từ bỏ INF.
Ngoài vấn đề liên quan đến INF, tại cuộc họp này, ông Putin đã đặc biệt lưu ý đến nhiệm vụ then chốt của Nga trong việc tăng cường năng lực quốc phòng và xây dựng sự bảo vệ chắc chắn khỏi những mối đe dọa bên ngoài.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc INF sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới.
Ngày 21/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố khả năng Mỹ rút khỏi INF với cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729” có tầm bắn có thể vi phạm quy định của INF. Tuy nhiên, Moskva khẳng định Nga tuân thủ INF trong khi Mỹ luôn vi phạm thỏa thuận.
Tổng thống Nga Putin cho rằng Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.