Theo kênh RT, Tổng thống Putin cho rằng quyết định rút khỏi INF của Washington là "một bước đi hướng tới chạy đua vũ trang". Nhà lãnh đạo Nga tái khẳng định Moskva đã không vi phạm INF, mà chính Mỹ đã vi phạm, và nước Nga không còn lựa chọn nào khác là phải "phản ứng tương xứng" để bảo vệ bản thân.
"Như các bạn đã biết, chúng tôi đã có các hệ thống tên lửa đối hạm, đối không và sẽ không khó khăn để tiến hành nghiên cứu và phát triển, chế tạo các loại tên lửa mặt đất nếu cần", ông Putin phát biểu tại một hội nghị do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức ngày 18/12.
Thành công của Nga trong phát triển các tên lửa phóng từ biển và trên không đã trở thành mối lo ngại cho "các đối tác của chúng ta", khiến họ phá hoại Hiệp ước. Tổng thống Putin cũng biểu dương các tên lửa hành trình Kalibr mới nhất cùa Nga, vốn đã phô diễn sức mạnh trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria.
Video tàu ngầm Nga phóng thử tên lửa hành trình Kalibr (nguồn: Sputnik):
Kalibr là một tên lửa hành trình chống hạm và tàu ngầm, có khả năng đánh trúng các mục tiêu cách xa tới vài trăm kilomet (tùy thuộc vào các phiên bản) mang nhiều đầu đạn với tổng trọng lượng 450 kg. Một số phiên bản có thể đạt được tốc độ siêu thanh trong các giai đoạn cuối để tránh trường hợp bị đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ tên lửa từ tàu địch.
Trong vài tháng qua, Washington đã liên tục cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF. Về phần mình, Moskva bác bỏ và cho rằng các cáo buộc này được dựng lên vô căn cứ. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Nga Putin cáo buộc trực tiếp rằng Mỹ đang vi phạm INF khi nước này chủ động xây dựng các cơ sở tên lửa Aegis Ashore ở Romania và Ba Lan. Ngoài ra, các cuộc tấn công từ máy bay không người lái của quân đội Mỹ cũng sử dụng những loại vũ khí vi phạm Hiệp ước.
Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng Mỹ và Nga - hai quốc gia ký hiệp ước - không phải là những nước duy nhất sở hữu tên lửa tầm ngắn và tầm trung. "Có nhiều nước sở hữu... tại sao họ (Mỹ) không xét đến những nước này?", ông nêu vấn đề. Ông Putin cho rằng họ không làm vậy "đơn giản vì nó cản trở những tham vọng nào đó và những tham vọng này chắc chắn không phải là những khát vọng hòa bình", khi mà cuộc rút lui của Mỹ là "bước đi hướng tới chạy đua vũ trang".
Tại hội nghị trên, Tổng thống Nga nhắc lại việc quân đội Mỹ đã chi ngân sách quân sự thường niên kỷ lục 725 tỷ USD, so với chi tiêu quốc phòng hàng năm của Nga chỉ có 46 tỷ USD.