Nga đã quyết định dừng tham gia thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, làm dấy lên lo ngại ở những nước nghèo rằng diễn biến này sẽ đẩy giá lương thực tăng cao vượt khả năng chi trả của người dân. Thỏa thuận kéo dài một năm qua này cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc thông qua một hành lang vận chuyển an toàn ở Biển Đen.
Nga cho biết nếu yêu cầu cải thiện hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này được đáp ứng, Nga có thể cân nhắc tái tham gia thỏa thuận trên.
Theo ông Zelenskiy, Ukraine là nguồn cung cấp lương thực cho 400 triệu người. Ông khẳng định: "Ukraine, Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỹ có thể đảm bảo việc vận hành một hành lang lương thực và kiểm tra các tàu vận chuyển. Điều này rất cần thiết với toàn thế giới”.
Trong một thông điệp khác được đăng trên ứng dụng Telegram, ông Zelenskiy cho biết trong một cuộc điện đàm với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, hai nhà lãnh đạo này đã nhất trí hợp tác với nhau, và với các nước liên quan, để tái lập an ninh lương thực và nối lại hoạt động vận chuyển lương thực qua Biển Đen.
Cùng ngày, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) kêu gọi các bên liên quan quay lại đối thoại để khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Chủ tịch ĐHĐ LHQ Csaba Kőrösi cho rằng dù các thách thức rất phức tạp song không phải không thể tháo gỡ. Ông cũng hối thúc các bên chấm dứt cuộc xung đột hiện nay phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Trước đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen không được gia hạn, có nguy cơ ảnh hưởng tới hàng triệu người và giá lương thực trên thế giới.
Người đứng đầu LHQ nêu rõ trong bối cảnh sản xuất lương thực trên thế giới bị gián đoạn bởi xung đột, biến đổi khí hậu, giá năng lượng và các yếu tố khác, các thỏa thuận như Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã góp phần hạ giá lương thực hơn 23% kể từ tháng 3/2022. Tổng thư ký Antonio Guterres cho biết thêm LHQ sẽ tiếp tục các nỗ lực để thỏa thuận này được nối lại càng sớm càng tốt.