Tổng thống Ukraine bác sáng kiến hòa bình của châu Phi

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ sáng kiến hòa bình của Liên minh châu Phi, khẳng định không thể đàm phán với Nga.

Chú thích ảnh
Từ trái sang: Thủ tướng Ai Cập Mustafa Madbuli, Tổng thống Senegal Macky Sall, Tổng thống Comoros Azali Assoumani, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema tại Kiev ngày 16/6. Ảnh: Reuters

Theo đài RT ngày 16/6, ông Zelensky đưa ra bình luận trên trong khi đoàn lanhx đạo một số nước châu Phi do Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa dẫn đầu tới thăm Kiev và tiếp theo sẽ tới thủ đô Moskva.

Ông Zelensky nói trong cuộc họp báo rằng Ukraine sẽ không đàm phán với Nga khi binh sĩ Nga vẫn ở trên lãnh thổ nước này.

Theo ông Zelensky, để có hòa bình, binh sĩ Nga cần phải rời khỏi toàn bộ lãnh thổ của Ukraine. Ông Zelensky cũng nói với các phóng viên rằng Ukraine đang giúp đỡ rất nhiều cho các quốc gia châu Phi về an ninh lương thực và thiết lập các trung tâm ngũ cốc trên lục địa này.

Tuy nhiên, trước đó, Nga nói rằng ngũ cốc mà Kiev xuất khẩu theo các điều khoản của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen chủ yếu được chuyển đến Liên minh châu Âu và cuối cùng được dùng làm thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, Liên hợp quốc đã không thể đưa sang châu Phi thực phẩm và phân bón của Nga - vốn từng chiếm thị phần lớn hơn rất nhiều trong nhu cầu của châu lục này.

Trong chuyến thăm Kiev, ngày 16/6, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi Ukraine và Nga giảm leo thang xung đột. Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo châu Phi với Tổng thống nước chủ nhà Zelensky, ông Ramaphosa nói: "Cuộc chiến này phải được giải quyết và nên có hòa bình thông qua đàm phán. Chúng tôi cho rằng phải có sự giảm leo thang ở cả hai bên".

Trong khi đó, Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema nhìn nhận điều quan trọng đối với lục địa châu Phi là đóng góp cho hòa bình ở Ukraine.

Về phần mình, Tổng thống Comoros Azali Assoumani, người hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi (AU), cho rằng một hiệp ước hòa bình ở Ukraine cần phải được thực hiện thông qua Hiến chương Liên hợp quốc.

Mặc dù bác bỏ sáng kiến của châu Phi, nhưng Tổng thống Zelensky đã mời các nhà lãnh đạo châu Phi tham gia hội nghị thượng đỉnh về hòa bình toàn cầu. Phát biểu họp báo với các nhà lãnh đạo châu Phi tại Kiev, ông Zelensky nói: "Tôi nhìn thấy triển vọng công việc của chúng tôi về những điểm cụ thể của công thức hòa bình, và chắc chắn, tôi đã mời các quốc gia châu Phi tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình mà chúng tôi đang chuẩn bị".

Ngoài sáng kiến hòa bình của châu Phi, Tổng thống Zelensky từng từ chối lời đề nghị của Vatican về việc làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn. Ông nói với đặc phái viên của Giáo hoàng là Hồng y Matteo Zuppi hồi đầu tháng rằng ông sẽ chỉ chấp nhận các điều khoản trong công thức hòa bình Ukraine của ông. Danh sách 10 yêu cầu gồm Nga rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố là của mình, trả tiền bồi thường, xét xử tội phạm chiến tranh và Ukraine gia nhập NATO. Nga đã bác bỏ các yêu cầu trên.

Trước châu Phi, Trung Quốc và Indonesia cũng đưa ra các sáng kiến hòa bình Ukraine và nhận được phản ứng trái chiều từ các bên liên quan.

Về phần mình, Điện Kremlin khẳng định Tổng thống Vladimir Putin vẫn sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ liên lạc nào để thảo luận giải pháp cho xung đột Ukraine.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng Mỹ không quan tâm đến việc tìm kiếm một giải pháp đàm phán cho cuộc khủng hoảng Ukraine và đòi hỏi Kiev phải đạt được thành công quân sự bằng mọi cách.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Quan chức Nga nói xung đột ở Ukraine sẽ thường trực 
Quan chức Nga nói xung đột ở Ukraine sẽ thường trực 

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết cuộc xung đột của Nga với Ukraine sẽ kéo dài thường trực, trong bối cảnh Kiev muốn gia nhập NATO.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN