Viết trên kênh Telegram ngày 16/6, ông Dmitry Medvedev đã đề cập đến tuyên bố của Tổng thư ký khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg về việc loại trừ khả năng Ukraine gia nhập khi chưa chấm dứt xung đột, song nhấn mạnh cánh cửa sẽ vẫn để ngỏ với Kiev.
“Điều này có nghĩa là gì từ quan điểm thực tế? Chúng tôi không cần Ukraine trong NATO. Trong mọi trường hợp, cho đến khi bất cứ khu vực nào của đất nước này vẫn còn ở trạng thái chiến tranh hiện tại", ông Medvedev lập luận về tuyên bố của Tổng thư ký NATO.
Quan chức an ninh hàng đầu của Nga nhấn mạnh rằng, đối với Ukraine hiện nay, xung đột sẽ kéo dài thường trực. Và theo ông, một thể chế chính trị mới ở Kiev, nếu có, chắc chắn sẽ không xin gia nhập NATO.
Trước đó, Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng 20 quốc gia thành viên NATO đã ủng hộ tư cách thành viên của Ukraine trong khối quân sự này. Kiev đã vận động mạnh mẽ các quốc gia thành viên NATO để có được lời hứa chắc chắn rằng Ukraine cuối cùng sẽ tham gia liên minh phòng thủ này.
Tổng thống Zelensky cũng nhấn mạnh rằng nếu không được trao tín hiệu về việc gia nhập, Kiev sẽ không có mặt tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7 tới. Ông cho biết quân đội Ukraine cảm thấy thất vọng vì Kiev vẫn chưa nhận được quyết định rõ ràng về việc gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU).
Về phần mình, Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố rằng ngăn Ukraine gia nhập NATO là một trong những mục tiêu chính của Nga. Moskva coi việc NATO mở rộng sang hướng Đông là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, buộc Nga phải phát động chiến dịch ở Ukraine.
Trong một diễn biến khác, ngày 16/6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định rằng sau khi đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga sẽ không tin tưởng bất cứ ai khác khi đưa ra đảm bảo đối với an ninh của quốc gia này.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết Ukraine và những người ủng hộ ở châu Âu đã thừa nhận rằng các thỏa thuận Minsk năm 2014 và 2015 – trong đó Kiev hứa trao quyền tự trị hạn chế cho Donetsk và Lugansk – là một chiến thuật câu giờ giúp Ukraine chuẩn bị cho chiến tranh. Và quan chức này khẳng định rằng tình trạng này sẽ không bao giờ lặp lại.
Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế tại St. Petersburg, ông Lavrov mô tả cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây với Nga là “một cuộc xung đột địa chính trị”, trong đó Mỹ đang cố gắng loại bỏ một đối thủ mạnh và bảo vệ vị trí bá chủ của mình.
"Mọi nỗ lực đó là vô ích, và tất cả chúng ta đều biết điều này", ông Lavrov tuyên bố, đồng thời cho biết thêm rằng Ukraine và những người ủng hộ sẽ buộc phải chấp nhận "thực tế cụ thể" mới trước khi đạt được lệnh ngừng bắn.
Trên hết, theo Moskva, Kiev phải chấp nhận rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào cũng cần phải xét đến quyền tự do của Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye - những vùng đã bỏ phiếu sáp nhập Nga vào năm ngoái.
Ông Lavrov cảnh báo rằng: “Họ trì hoãn đàm phán càng lâu thì càng khó đạt được thỏa thuận với chúng tôi”.
Về những cáo buộc của Nga liên quan chiến tranh ủy nhiệm, trong một phát biểu đưa ra ngày 4/8/2022 được đài RT của Nga trích dẫn, Tổng thứ ký NATO Stoltenberg tuyên bố liên minh này không phải một bên tham chiến trong cuộc xung đột ở Ukraine và sẽ không điều động binh sĩ tới Ukraine. Liên minh này không có nghĩa vụ can thiệp vào cuộc xung đột do Ukraine không phải là một quốc gia thành viên. Ông Stoltenberg cho biết một trong những mục tiêu chính của NATO trong cuộc xung đột ở Ukraine là ngăn chặn “cuộc chiến tranh toàn diện” với Nga.
Trong cuộc họp báo ngày 2/5/2022, Thư ký báo chí Nhà Trắng khi đó là bà Jen Psaki thẳng thắn tuyên bố: “Đây không phải là cuộc chiến ủy nhiệm. Đây là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. NATO không tham gia, Mỹ không tham gia cuộc chiến này”. Theo bà Psaki, ý tưởng về một cuộc chiến tranh ủy nhiệm chỉ là chủ đề bàn luận của phía Nga. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định cáo buộc chiến tranh ủy nhiệm là không đúng.