Theo hãng tin RT, khi được nhà báo Steve Scully của kênh truyền hình C-SPAN hỏi về những dòng tweet gây tranh cãi và ảnh hưởng từ những phát ngôn này đối với tình hình chính trị trong nước, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông đơn giản cần một cách để đối phó với truyền thông “đưa tin giả”.
“Nếu như đưa tin một cách công bằng, tôi thậm chí không cần phải đăng tweet. Đây là phương thức tự vệ duy nhất của tôi. Nếu báo chí đưa tin về tôi một cách công bằng, tôi sẽ không cần điều đó. Thực tế họ đã không làm như vậy”, Tổng thống Trump lý giải.
Cụ thể, Tổng thống Trump phàn nàn thay vì đưa tin về nội dung bài phát biểu của ông tại Jamestown, bang Virginia ngày 29/7, truyền thông lại chỉ xoáy về sự kiện một người biểu tình phá rối bài phát biểu.
“Họ viết như kiểu có 25.000 phát điên ở đó, nhưng thực ra chỉ có một người”, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh, miêu tả truyền thông đã đưa tin về sự việc này theo hướng “buồn bã” và “tệ hại”.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump không ít lần dùng Twitter để lên án những hãng tin và tờ báo mà ông cho là đối xử bất công với ông. Nhà lãnh đạo cho rằng truyền thông “tin giả” có thể làm "nổ ra chiến tranh”. Ông Trump từng mô tả giới truyền thông như "kẻ thù của người dân Mỹ" bằng những câu: "Chính họ đã cố tình tạo ra sự chia rẽ và ngờ vực lớn. Họ thậm chí có thể gây ra chiến tranh”.
Đầu năm 2018, Tổng thống Trump còn đưa ra danh sách "Fake News Awards" (tạm dịch: Giải đưa tin giả mạo) liệt kê tên các nhà báo mà ông cho rằng đã đưa tin sai sự thật. Trong danh sách 10 nhân vật của giới truyền thông bị Tổng thống Trump "gắn mác" đưa tin sai sự thực có cả những cộng tác viên hoặc phóng viên làm việc cho các "thương hiệu" nổi tiếng như CNN, The New York Times và The Washington Post.