Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay nhau trong cuộc gặp kín ngày 12/6. Ảnh: AP |
Trên thực tế, văn kiện mà Tổng thống Trump cùng người đồng cấp Triều Tiên Kim Jong-un ký kết trong Hội nghị Thượng đỉnh ngày 12/6 tại Singapore chỉ nhấn mạnh những cam kết trước đó của quốc gia Đông Bắc Á này trong nỗ lực “hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên”.
Ngồi trong phòng Nội các kế bên Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Tổng thống Trump ngày 21/6 khẳng định thỏa thuận chung của Mỹ-Triều có viết: “Chúng tôi sẽ ngay lập tức khởi động tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên”. Tổng thống Trump cũng tiết lộ Triều Tiên đã bắt đầu phá hủy các bãi thử hạt nhân.
Tuy nhiên, chỉ trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis còn thông báo ông “không hề nhận thấy” bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Triều Tiên đã có những bước đi rõ ràng nhằm dỡ bỏ thêm cơ sở hạ tầng sử dụng để phóng tên lửa đạn đạo hay bất kỳ bước tiến triển thêm nào để phi hạt nhân hóa hoàn toàn sau Hội nghị Thượng đỉnh ở Sentosa.
“Rõ ràng, chúng ta đang ở giai đoạn đầu tiên, các cuộc đàn phán chi tiết vẫn chưa được khởi động. Tôi cũng không hy vọng điều đó sẽ xảy ra trong thời điểm này”, Bộ trưởng Mattis khẳng định ngày 20/6.
Hội nghị Thượng đỉnh Singapore được đánh dấu là cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên trong lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều còn tại vị. Kết thúc hội nghị, Tổng thống Trump cho biết ông đã gây dựng được một “mối quan hệ đặc biệt” với người đồng cấp Kim Jong-un và khi về Mỹ, ông đã đăng một dòng trạng thái trên Twitter trấn an: “Sẽ không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên nữa”.
Mặc dù rất nhiều chuyên gia và nhà phân tích hoan nghênh mối quan hệ tiến triển giữa hai nhà lãnh đạo, đặc biệt trong bối cảnh hai nước gia tăng căng thẳng năm ngoái, thì bản thỏa thuận chung mà Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ký kết phần lớn bị coi là thiếu tính cụ thể.
Theo bản tuyên bố, “Tống thống Trump cam kết đảm bảo an ninh cho nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên DPRK, và Chủ tịch Kim Jong-un tái khẳng định sự cam kết không đổi và bền vững trong việc hoàn thành phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên”. Văn kiện cũng tuyên bố “DPRK cam kết làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên”.
Giới phân tích nghi ngờ rằng hai nước Mỹ và Triều Tiên có cách hiểu khác nhau khi sử dụng cụm từ “phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”.
Trong khi các chuyên gia cho rằng Triều Tiên nhìn nhận “phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên” liên quan đến sự nhượng bộ của Mỹ hoặc Hàn Quốc, bao gồm việc Mỹ rút quân khỏi Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Trump lại tuyên bố mục tiêu chính sách tiên quyết của họ là quá trình loại bỏ hoàn toàn, có thể xác minh và không thể khôi phục chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.