Theo tờ Defense News, Washington đã bắt đầu thông báo cho 33 quốc gia thành viên tham gia ký Hiệp ước Bầu trời Mở và quá trình này dự kiến diễn ra trong vòng 6 tháng theo qui định của thỏa thuận.
Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày cho biết Moskva chưa nhận được thông báo rút khỏi hiệp ước từ phía Washington. Tuy nhiên, Nga cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở là bước đi đáng tiếc, bởi đây là một hiệp ước có ý nghĩa then chốt để đảm bảo niềm tin lẫn nhau ở châu Âu.
Trước đó, Nga hồi tháng 3 đã bày tỏ quan ngại trước những tuyên bố của giới chức Mỹ về khả năng rút khỏi hiệp ước, đồng thời cáo buộc Washington đang cố gắng sử dụng Hiệp ước Bầu trời Mở cho các trò chơi chính trị trong nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: "Chúng tôi thực sự lo ngại trước tuyên bố của một số quan chức cấp cao, các nghị sĩ Mỹ, những người đang cố gắng biến Hiệp ước Bầu trời Mở thành một loại đồng tiền trao đổi để thương lượng trong các trò chơi chính trị trong nước. Chúng tôi cho rằng hiệp ước trên là một cơ chế quan trọng giúp đảm bảo an ninh châu Âu và tính minh bạch trong lĩnh vực quân sự, song song với Tài liệu Vienna về các biện pháp củng cố lòng tin và an ninh năm 2011".
Vụ trưởng Vụ quản lý vấn đề không phổ biến và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Yermakov ngày 12/2 cảnh báo Moskva sẽ buộc phải đáp trả nếu Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết năm 1992 và trở thành một trong những biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Âu sau Chiến tranh Lạnh. Có hiệu lực từ năm 2002, hiệp ước này cho phép các nước tham gia thực hiện những chuyến bay giám sát bên trên các căn cứ quân sự của nhau, để thu thập thông tin về lực lượng và hoạt động quân sự của các nước này. Có 34 quốc gia tham gia thỏa thuận, bao gồm cả Mỹ.
Hiệp ước được coi là một trong những trụ cột đảm bảo an ninh ở cựu lục địa. Mục đích chính của văn kiện này là để theo dõi thực trạng các quốc gia thực thi những thỏa thuận giải trừ quân bị (mà hàng đầu là Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu), và bằng cách đó hoá giải những mối lo ngại mới phát sinh, xây dựng niềm tin lẫn nhau.
Số phận Hiệp ước START
Đây là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump trong xu thế rút Mỹ ra khỏi một hiệp ước lớn toàn cầu, sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga hồi năm ngoái.
Báo New York Times, trích dẫn nguồn tin từ chính quyền của Tổng thống Trump nhận định việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở phát đi tín hiệu Washington sẽ từ chối gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3).
START-3, hiệp ước lớn cuối cùng nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga, sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021. Vì vậy, năm 2020 sẽ là năm đóng vai trò nòng cốt đối với các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí giữa Washington và Moskva.
Vốn được thương lượng dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, START-3 hạn chế Mỹ và Nga triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân cùng nhiều điều khoản ràng buộc khác. Nếu START-3 không được gia hạn, đây là sẽ là lần đầu tiên trong 50 năm qua không có một hiệp ước nào giới hạn vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.
Mạng tin Politico mới đây cho biết Mỹ đang cân nhắc một hướng đi mới nhằm duy trì Hiệp ước START-3, khi theo đuổi một thỏa thuận vũ trang rộng hơn với cả Nga và Trung Quốc. Theo kế hoạch này, Nhà Trắng sẽ tạm thời gia hạn Hiệp ước START-3, đồng thời tìm kiếm một thỏa thuận với Moskva theo hướng thuyết phục Trung Quốc cùng tham gia đàm phán.
Tuy nhiên, triển vọng này cũng khá mờ mịt vì Bắc Kinh từng nhiều lần tuyên bố không quan tâm tới việc tham gia một hiệp ước kiểm soát vũ khí như thế với Mỹ và Nga.