Phát biểu tại cuộc họp các đại diện cấp tỉnh của đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền ngày 14/9 vừa qua ở Ankara, ông Erdogan cho biết các Bộ đã nhận được các kế hoạch của mình và sẽ không xem xét đưa ra các quyết định đầu tư mới, để phù hợp với một chính sách tài chính thắt chặt.
Trước đó một ngày, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tăng lãi suất lên 24% nhằm kiềm chế lạm phát. Lạm phát ở nước này trong tháng 7 đã lên tới 17,9%, mức cao kỷ lục trong vòng 15 năm trở lại đây, trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ do tranh cãi ngoại giao với Mỹ liên quan đến vụ bắt giữ một giáo sĩ người Mỹ.
Các dự án lớn vốn góp phần tạo nên thành công của ông Erdogan trên chính trường. Tháng 6 vừa qua, ông đã tái đắc cử Tổng thống và các dự án đầy tham vọng của ông là chủ đề nóng trong chiến dịch tranh cử. Tổng thống Erdogan đã hứa hẹn một loạt siêu dự án, như sân bay quốc tế Istanbul mới, dự kiến mở cửa vào ngày 29/10 tới. Hay các dự án khác như Đường hầm Á - Âu, một hầm đường bộ kết nối hai bên của Istanbul, cầu Yavuz Sultan Selim, chiếc cầu thứ ba bắc qua eo biển Bosphorus ở Istanbul, và dự án gây tranh cãi Kênh Istanbul, với chi phí dự kiến ít nhất là 15 tỷ USD.
Ông Erdogan cho biết: "Có những đầu tư lớn và cần làm, đó là vấn đề khác". Ông không nói rõ dự án nào sẽ phải hoãn lại hay cắt giảm, chỉ cho biết thêm rằng các dự án đã được thi công hơn 70% có thể được hoàn thiện.
Bên cạnh đó, Tổng thống Erdogan cũng nhấn mạnh việc khởi động một phong trào tiết kiệm toàn diện trong lĩnh vực công. Bộ Tài chính hy vọng sẽ dư ra khoảng 6 tỷ lira (975 triệu USD) từ nay đến cuối năm do các khoản cắt giảm chi tiêu công mạnh tay, trong đó có việc cắt giảm số lượng khổng lồ xe hơi và xe máy sử dụng trong cơ quan công quyền. Theo nhật báo Birgun, hiện hơn 110.000 chiếc xe công đang được các cơ quan nhà nước thuê hoặc mua để sử dụng.