Phát biểu sau cuộc họp của Nội các ngày 10/8, Tổng thống Erdogan nêu rõ: "Tất cả chúng ta hãy cùng ngồi lại với nhau với tư cách là các quốc gia Địa Trung Hải và tìm ra giải pháp có thể bảo vệ tất cả các quyền lợi của các bên".
Tuyên bố trên của ông Erdogan được đưa ra khi trước đó cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tàu nghiên cứu tàu nghiên cứu Oruc Reis tới gần đảo Meis (mà phía Hy Lạp gọi là Kastellorizo) ở Đông Địa Trung Hải. Cách đó 3 ngày, Tổng thống Erdogan thừa nhận rằng ông đã quá mệt mỏi khi phải chờ đợi kết quả của các cuộc đàm phán được tổ chức trong tháng qua với Hy Lạp và Đức - nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU).
Bất chấp việc Bộ Ngoại giao Hy Lạp chỉ trích động thái của Thổ Nhĩ Kỳ là "sự leo thang nghiêm trọng" và "gây bất ổn", chính quyền Ankara vẫn khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực.
Hồi tháng trước, Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang "tạm dừng" hoạt động thăm dò khí đốt để có thời gian cho các cuộc đàm phán với Hy Lạp và Đức. Nhưng mọi việc trở nên tồi tệ khi Hy Lạp và Ai Cập - quốc gia đang mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Libya - tuần trước đã ký thỏa thuận thiết lập vùng đặc quyền kinh tế trong khu vực này. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức tuyên bố "cái gọi là thỏa thuận hàng hải" với Hy Lạp đã "bị vô hiệu”.
Trước việc Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu nghiên cứu Oruc Reis tới khu vực Đông Địa Trung Hải, Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cho rằng hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là "vô cùng đáng lo ngại" và sẽ khơi mào cho "sự chống đối và ngờ vực lớn hơn". Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã kêu gọi hai nước thành viên của NATO tôn trọng luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh: "Tình hình phải được giải quyết trên tinh thần đoàn kết của các đồng minh và phù hợp với luật pháp quốc tế".