Đài Sputnik dẫn thông báo của người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn bắt đầu các cuộc tập trận nhằm kiểm tra khả năng răn đe chiến lược của quân đội Nga bằng các vụ phóng tên lửa đạn đạo,
Được hỏi liệu Tổng thống Putin có cho phép bắt đầu cuộc tập trận bằng các vụ thử tên lửa đạn đạo hay không, ông Peskov trả lời “Có”.
Trong video được Sputnik phát trực tiếp trên website của hãng, Tổng thống Putin cùng với người đồng cấp Belarussia Alexander Lukashenko quan sát vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tại trung tâm điều khiển.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, các cuộc tập trận răn đe chiến lược đã được lên kế hoạch từ trước, với sự tham gia của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, các đơn vị Quân khu phía Nam, Lực lượng Tên lửa Chiến lược, các Hạm đội Phương Bắc và Biển Đen. Hạm đội Biển Đen của Nga đã điều 10 máy bay ném bom Su-24 từ Crimea tham gia cuộc tập trận này.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, các cuộc tập trận nhằm kiểm tra mức độ sẵn sàng của các trung tâm chỉ huy quân sự, các đơn vị phóng chiến đấu, thủy thủ đoàn tàu chiến và tàu mang tên lửa chiến lược, đồng thời kiểm tra độ tin cậy của các lực lượng hạt nhân và phi hạt nhân chiến lược.
Theo hãng thông tấn TASS, kịch bản tập trận có thể như sau: Một tàu ngầm mang tên lửa chiến lược của Hạm đội Phương Bắc sẽ bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) về phía trường bắn Kura tại Kamchatka ở Viễn Đông của Nga.
Xem video cuộc tập trận răn đe chiến lược của Nga ngày 19/2, do Bộ Quốc phòng Nga công bố tại đây.
Xem video tàu ngầm Yuriy Dolgorukiy (K-535) của Nga phóng thử thành công 4 tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava ở biển Bạch Hải vào 22/5/2018:
Ở chiều ngược lại, một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ phóng ICBM nhằm vào mục tiêu tại trường bắn Chizha ở phía bắc nước Nga.
Lực lượng Tên lửa chiến lược sẽ phóng ICBM từ một địa điểm, còn máy bay của Lực lượng Hàng không vũ trụ thì phóng tên lửa hành trình tầm xa.
Cuộc tập trận diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nga thông báo đã hoàn tất tập trận ở các khu vực gần biên giới Ukraine và bắt đầu rút quân về căn cứ trong một diễn biến làm "sụp đổ" loạt dự báo của giới chức và truyền thông phương Tây về thời điểm "Nga xâm lược Ukraine".
Theo truyền thông Nga ngày 18/2, một số đơn vị quân đội Nga đã trở về căn cứ sau đợt tập trận gần biên giới Ukraine. Trong số này có các đơn vị bộ binh cơ giới, xe tăng và xe bọc thép.
Nga bắt đầu hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân chiến lược của mình và phát triển các hệ thống vũ khí siêu vượt âm có khả năng né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa vào đầu những năm 2000, sau khi Mỹ đơn phương hủy bỏ Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 1972 - vốn đặt ra những hạn chế nghiêm trọng đối với việc phát triển và triển khai tên lửa chống hệ thống tên lửa đạn đạo.
Quân đội Nga coi các hệ thống siêu vượt âm của mình là một bảo đảm an ninh chống lại kẻ thù, hy vọng rằng năng lực chống lại bất kỳ cường quốc nào đe dọa sự hủy diệt của Nga sẽ giúp cải thiện sự ổn định chiến lược toàn cầu.