Nếu kiến thức là sức mạnh, thì việc biết được những bí mật quan trọng về DNA của một người có thể là một vũ khí lợi hại. Điều đó có thể giải thích lý do tại sao các nhà lãnh đạo thế giới đã vội vã đến Moskva trong những ngày gần đây để đàm phán ngoại giao lại từ chối các xét nghiệm COVID-19 do Nga thực hiện.
Tuy nhiên, theo hãng tin AP, đây có thể là một trường hợp mà trí tưởng tượng đang đi xa hơn một chút so với những gì khoa học thực sự có thể làm được.
Mới đây nhất Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từ chối để Nga tiến hành xét nghiệm PCR. Trước đó, các quan chức Pháp cho biết Tổng thống Emmanuel Macron đã không đáp ứng một số yêu cầu để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, dẫn đến suy đoán rằng ông cũng không muốn để phía Nga lấy mẫu xét nghiệm.
Cả hai nhà lãnh đạo Đức, Pháp đều không có quan điểm phản đối các biện pháp đối phó COVID-19, vì vậy việc hai ông từ chối xét nghiệm đã dẫn đến đồn đoán rằng họ muốn đảm bảo vật liệu di truyền của mình không bị lọt ra ngoài.
Trong một thế giới mà an ninh quốc gia và gián điệp quốc tế là những vấn đề cần rất thận trọng, các cường quốc toàn cầu luôn tìm kiếm lợi thế, và càng ngày những mặt trận mới đó càng ít hữu hình hơn trên các chiến trường. Vì vậy, theo các chuyên gia tình báo, khoa học về gien một ngày nào đó có thể là một bổ sung hữu ích cho kho vũ khí. Nhưng các nhà khoa học cũng nói rằng ngày đó có thể còn rất lâu nữa.
Dưới đây là một số câu hỏi được quan tâm liên quan đến vấn đề sử dụng thông tin di truyền trong quan hệ quốc tế:
Các nhà lãnh đạo phương Tây có thực sự cáo buộc Nga tìm cách lấy DNA của họ qua phương tiện xét nghiệm không?
Không. Nhưng điều đó không ngăn được những đồn đoán lan tràn.
Các quan chức Pháp bác bỏ mọi ý kiến cho rằng người Nga đang cố bí mật lấy DNA của Tổng thống Macron. Một quan chức Pháp cho biết các điều kiện của Nga để Tổng thống Macron tiếp xúc với người đồng cấp Putin là "không thể chấp nhận được" và "không phù hợp" với chương trình nghị sự của Tổng thống Pháp.
Sau các cuộc gặp, chiếc bàn dài “bất tận” bằng đá cẩm thạch mà hai ông Macron và Scholz đã ngồi thảo luận với Tổng thống Nga trở thành một “biểu tượng” tạo ra vô số meme trên các trang mạng xã hội.
Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit nói với các phóng viên ở Berlin rằng Thủ tướng Scholz đã tuân theo quy trình tương tự mà Đức áp dụng cho các quan chức nước ngoài: Họ có thể gửi xét nghiệm PCR của riêng mình và nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, bác sĩ có thể lên máy bay của khách để quan sát xét nghiệm.
“Phía Nga đã nhìn nhận điều đó một cách khác biệt, họ nói: cần phải là một xét nghiệm của Nga. Và thủ tướng [Scholz] quyết định rằng ông ấy sẽ không làm điều đó”, ông Hebestreit cho biết.
Tại sao Pháp và Đức không tin tưởng Nga?
Cả hai quốc gia đều là thành viên của NATO – khối quân sự được Mỹ và các đồng minh phương Tây thành lập trong Chiến tranh Lạnh với vai trò như một bức tường thành chống lại Liên Xô.
Moskva đã bày tỏ lo ngại rằng NATO đang sử dụng Ukraine như một quân bài để làm suy yếu Nga và đó là lý do cho việc họ huy động quân đội dọc theo biên giới Ukraine.
Thực sự có thể biết được gì từ DNA?
DNA (hay ADN theo tiếng Pháp) nằm bên trong mọi tế bào trong cơ thể và có thể được lấy bằng nhiều phương pháp như dùng tăm bông ngoáy mũi, mặc dù tăm bông xét nghiệm COVID-19 nhằm mục đích lấy một vật liệu di truyền khác: RNA từ virus.
Kenny Beckman, người đứng đầu Trung tâm Genomics của Đại học Minnesota (Mỹ) cho biết: “Những mẫu đó có rất nhiều DNA của con người. Người ta chắc chắn có thể lấy mẫu đó, trích xuất DNA và thực hiện bất kỳ loại việc nào mà họ muốn đối với người đó.”
DNA chứa những chỉ dẫn mà cơ thể cần để tồn tại và phát triển. DNA của mỗi người là duy nhất. Nó có thể được sử dụng để tìm ra nguồn gốc tổ tiên của bạn, xác định quan hệ huyết thống với một người nào đó, và cả việc bạn có mắc một số bệnh di truyền hay bất thường di truyền liên quan đến bệnh tật hoặc tình trạng y tế hay không.
Trong khoa học pháp y, DNA có thể được sử dụng để xác định sự liên quan của một nghi phạm nào đó trong tội ác.
DNA có thể được sử dụng để chống lại các nhà lãnh đạo thế giới như thế nào?
Howard McLeod, chuyên gia di truyền học và Giám đốc Y học Chính xác tại Hiệp hội Ung thư Lão khoa Mỹ có trụ sở tại Florida, cho biết: “Bạn có thể sử dụng DNA để xác định nguy cơ mắc bệnh, vì các nhà lãnh đạo thế giới có thể có nguy cơ mắc bệnh".
Nhưng nhìn chung, ông McLeod nói, ý tưởng tìm hiểu thêm về một nhà lãnh đạo thế giới thông qua DNA “có vẻ đáng sợ hơn rất nhiều so với thực tế”.
Ông Beckman cũng nói rằng dường như "quá xa vời" khi nghĩ rằng thông tin thu thập được có thể gây tổn hại về mặt chính trị. "Bạn định làm gì, nói rằng ông Macron có nguy cơ huyết áp cao hơn một chút?" - ông Beckman lấy ví dụ - “Còn tôi sẽ không dành nhiều thời gian để tìm ra những cách để vũ khí hóa thông tin di truyền của ai đó”.
George Annas, một nhà đạo đức sinh học, người đã viết nhiều về tầm quan trọng của quyền bí mật đời tư về di truyền, làm rõ một điều rằng: “DNA không phải là ma thuật. Nó sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin, nhưng nó sẽ không cho bạn biết làm thế nào để có thể ám sát ai đó”.
Mỹ có quy định buộc xét nghiệm với các lãnh đạo thế giới không?
Theo một quan chức, khi các quan chức nước ngoài gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden, họ phải được xét nghiệm. Nhà Trắng cung cấp lựa chọn xét nghiệm, nhưng hầu hết các nhà lãnh đạo đều tự tiến hành, và được Nhà Trắng chấp nhận.
Bản thân ông Biden khi được xét nghiệm ở trong và ngoài nước, các mẫu được lấy và xử lý độc quyền bởi Nhóm Y tế Nhà Trắng.
Chính phủ Mỹ từng bị cáo buộc đã tìm cách thu thập DNA của các nhà lãnh đạo nước ngoài. Các bức điện ngoại giao thời Tổng thống Obama do Wikileaks tiết lộ đã cho thấy các nhà ngoại giao Mỹ ở một số quốc gia châu Phi thu thập "dấu vân tay, hình ảnh khuôn mặt, DNA và quét mống mắt" từ các quan chức "chủ chốt và mới nổi", bao gồm các nhà lãnh đạo tôn giáo và doanh nghiệp.